Phần 3: Bao dung và tha thứ
Với một điều kiện lịch sử, hoàn cảnh tự nhiên - xã hội đặc biệt, nhân ái là một giá trị tinh thần cơ bản trong văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Nó thấm sâu trong các quan hệ từ trong gia đình đến xóm làng, cộng đồng xã hội; từ trong sinh hoạt đời thường đến sản xuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đối xử với tù binh trong chiến tranh… và điều đó đã được thể hiện rất rõ tại những Trại giam phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam.
Với những hậu quả đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, phi công Mỹ không được coi là “tù binh chiến tranh”. Nhưng với truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay, với tấm lòng nhân ái, bao dung, người dân Việt Nam đã dành cho những phi công Mỹ bị bắt sự đối xử nhân văn, đầy tình người.
Trung tá Conlee William.W, sĩ quan điều khiển điện tử trên chiếc B52 bị bắn rơi đêm ngày 22/12/1972 tại Hà Nội đã nói sau khi bị bắt: “Ném bom Hà Nội, địa chỉ thiêng liêng nhất của người Việt Nam chẳng khác gì mang bom dội xuống Washington, Thủ đô của người Mỹ” (Sự kiện và Nhân chứng, số 517, ra ngày 23/12/1999).
Trung tá Conlee William.W, sĩ quan điều khiển điện tử trên chiếc B52,
bị bắn rơi đêm ngày 22/12/1972 tại Hà Nội
Trong ký ức của những người dân Hà Nội từng trải qua những ngày bom Mỹ rải thảm, vẫn còn đó buổi sáng một ngày thu tháng 10/1967, viên phi công Mỹ bị bắn rơi phải nhảy dù xuống Hồ Trúc Bạch. Trong lúc máy bay Mỹ vẫn đang gầm rú trên bầu trời Hà Nội, vậy mà những người dân vẫn dũng cảm lao ra giữa hồ nước để cứu với viên phi công nhảy dù, còn bị thương khá nặng, đó chính là Thiếu tá Hải quân John McCain. Sau đó, John McCain được đưa tới Quân y viện 108 để điều trị vết thương. Có thể nói, tại các bệnh viện ở Hà Nội thời gian đó, nhiều bác sỹ, nhân viên y tế đã phải nén chặt lòng căm phẫn, hết lòng cứu chữa cho những phi công Mỹ bị thương khi nhảy dù.
Tại Trại giam Hỏa Lò, nơi hàng ngày trực tiếp tiếp nhận những phi công Mỹ mới bị bắt, có những cán bộ quản giáo trong thời làm nhiệm vụ quản lý phi công Mỹ tại đây cũng là lúc nhận được tin người thân hy sinh nơi chiến trường dưới làn bom đạn của quân đội Mỹ. Tình cảm ruột thịt đã khiến họ tưởng chừng như không thể đảm nhận công việc tại đây. Nhưng được sự động viên của Ban Chỉ huy trại, họ đã nén lại tình cảm gia đình, ở lại trại công tác cho tới tận ngày trao trả hết số phi công Mỹ về nước.
Trao trả phi công Mỹ tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội, năm 1973
Hay như trường hợp một viên phi công Mỹ có biểu hiện chống đối lúc mới bị bắt vào trại bằng cách: sau mỗi bữa ăn, anh ta lại bí mật móc họng để nôn hết thức ăn ra, lâu dần thành phản xạ, cứ ăn vào là nôn, cơ thể gầy rộc đi. Nhân viên y tế của trại đã rất vất vả để tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán viên phi công đó “bị trào ngược dạ dày” và đề xuất với Ban Chỉ huy trại cho ra Quân y viện 108 điều trị. Sau khi được các bác sỹ thăm khám, theo dõi và kết luận “Đây là hiện tượng nôn có điều kiện”, tìm ra nguyên nhân là do “Anh ta tự móc họng để nôn thức ăn ra”. Viên phi công đó được đưa về trại, cho ở phòng cách ly để điều trị bệnh, sau khoảng 2 đến 3 tuần thì anh ta hoàn toàn bình phục, sức khỏe ổn định trở lại. Đặc biệt trong ngày trao trả, khi bước chân lên máy bay đỗ tại Sân bay Gia Lâm để trở về Mỹ, viên phi công đó còn cố ngoái lại, vẫy tay chào người đã trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho anh ta.
Có những trường hợp như phi công Alfonso Ray Riate (tên tiếng Việt là Trần Văn Te), trước khi trao trả còn viết một bức thư và gửi tặng ông Trần Trọng Duyệt - Cán bộ Chỉ huy trại giam một chiếc tẩu hút thuốc lá được làm từ vỏ tuýt thuốc đánh răng, với mong muốn mỗi lần ông hút thuốc vừa đỡ hại sức khỏe, vừa để nhớ đến Alfonso Ray Riate. Có những viên phi công còn ghi lại tên, địa chỉ nhà riêng gửi lại cán bộ quản giáo với một hy vọng “Nếu như có điều kiện, họ rất mong được đón những người đã chăm sóc họ trong những tháng ngày ở Việt Nam trên đất Mỹ”.
Sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, đặc biệt là khi hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ đã thiết lập đầy đủ các quan hệ ngoại giao, nhiều cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam, trong số đó có nhiều người từng là phi công, bị bắt giữ trong các trại giam ở miền Bắc Việt Nam. Phần đông trong số họ luôn tâm niệm mong có ngày được trở lại Việt Nam để gặp, nói lời tri ân tới những cán bộ, chiến sỹ, quản giáo và người dân Việt Nam mà họ coi là những ân nhân của mình.
Đó là cuộc gặp gỡ giữa cựu phi công Pete Peterson với ông nông dân Nguyễn Viết Chộp - người đã từng bắt và cứu sống Pete Peterson khi máy bay của ông bị bắn cháy vào ngày 10/9/1966 tại thôn An Đoài, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Pete Peterson đã tìm gặp lại ân nhân ngay sau khi sang Việt Nam nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam (từ ngày 09/5/1997). Pete Peterson coi An Đoài là mảnh đất mà ông đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt ông rất vui mừng khi vẫn còn gặp được ông nông dân Nguyễn Viết Chộp.
Ông nông dân Nguyễn Viết Chộp đang trò chuyện với cựu phi công,
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain đã nhiều lần trở lại Việt Nam và luôn mong muốn gặp lại những người đã cứu ông khỏi chết đuối tại Hồ Trúc Bạch năm nào, đó chính là ông Mai Văn Ổn, một người dân ở phố Quán Thánh, Hà Nội. Và ông Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã được toại nguyện.
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain gặp lại ông Mai Văn Ổn,
người đã cứu sống John McCain vào tháng 10/1967
Charles Allen Jackson, một cựu phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam năm 1972-1973, sau khi được trao trả luôn có một tâm nguyện được trở lại mảnh đất hình chữ S. Bởi ở mảnh đất này có những con người dù vẫn còn phải sống trong bom đạn, nhưng đã không coi ông là kẻ thù, luôn đối xử với ông bằng sự tử tế. Và sau gần 45 năm kể từ khi về Mỹ, ông đã thực hiện được tâm nguyện của mình, trở lại Hà Nội, tìm về Sơn La để gặp lại và gửi lời tri ân tới một số cán bộ, chiến sỹ quản giáo và người dân Việt Nam, những người ông luôn coi là ân nhân đã “cứu mạng sống cho mình”.
Phi công Charles Allen Jackson được phẫu thuật tại bệnh viện, tháng 6/1972
Đặc biệt hơn cả, đó là trường hợp của ông Thomas Eugene Wilber, con trai thứ 2 của cựu phi công Hoa Kỳ Walter Eugene Wilber, chỉ trong vòng 2 năm ông đã sang Việt Nam tới hơn cả chục lần để thực hiện di nguyện của cha, viết nên câu chuyện về Tình người sau cuộc chiến. Và giờ đây, Thomas mặc nhiên đã trở thành người thân của gia đình các ông Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu - những người đã từng cứu sống phi công Walter Eugene Wilber, khi máy bay của ông bị bắn cháy, phi công phải nhảy dù xuống vùng đất Thanh Chương, Nghệ An năm 1968. Không những thế, Thomas hiện còn là “Cộng tác viên” đắc lực của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò trong việc kết nối liên lạc với những cựu phi công Hoa Kỳ để sưu tầm những tư liệu, hiện vật phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày tại di tích. Bản thân Thomas và gia đình đã trao tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhiều hiện vật, tài liệu quý của cha ông - cựu phi công Walter Eugene Wilber, đây là những bằng chứng xác thực nhất minh chứng cho chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với phi công Mỹ khi họ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam, sống trong những trại tạm giam ở Hà Nội chờ ngày trao trả.
Kỷ vật của cựu binh phi công Mỹ Walter Eugene Wilber
được gia đình tặng lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Ông Chuck Searcy, người từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam những năm cuối 1968 - 1969, ông hiểu rõ hơn ai hết các hậu quả mà chiến tranh để lại. Ông đến Việt Nam từ năm 1995, làm đại diện cho Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam (VVMF) và giúp thành lập Dự án RENEW ở Quảng Trị, để rà phá bom mìn và cung cấp hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng và tạo thu nhập cho nạn nhân bom mìn. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất hình chữ S, ông đã thực hiện nhiều chuyến đi thực địa tới các vùng bị chiến tranh tàn phá, đóng góp nỗ lực cho việc rà phá các vật liệu chưa nổ để giúp Việt Nam trở thành một nơi an toàn hơn đối với người dân.
Cựu binh Mỹ Chuck Searcy và nhóm gỡ những quả bom từ thời chiến tranh Việt Nam
còn sót lại ở tỉnh Quảng Trị
Nói về quan hệ Việt-Mỹ, Chuck Searcy chia sẻ ông sống ở Việt Nam đã lâu và gặp nhiều người trên khắp đất nước này, sau nhiều năm, người dân hai nước giờ đây đã hiểu nhau và trở nên gắn kết.
Xin được mượn lời của Ông Bùi Thế Giang, một cựu chiến binh Việt Nam và hiện là Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng kiêm Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, làm lời kết cho bài viết này “Người Việt Nam đã gác lại một phần lịch sử đau thương và tha thứ cho người Mỹ. Việt Nam có thể phát triển như ngày nay là nhờ sự tha thứ và vươn lên. Nếu cứ giữ tâm lý thù hằn thì không thể phát triển”.
Nguyễn Thị Khánh Hồng – Phòng Giáo dục - Truyền thông