Mỗi dịp tháng Mười đến, người dân Thủ đô lại nhớ về vị Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội (1946), một vị tướng Trí - Dũng- Nhân - Tín - Liêm - Trung, một người con đã cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng Thủ đô Hà Nội, đó là Trung tướng Vương Thừa Vũ.
Phần 1: Tuổi trẻ và đường đến với cách mạng
Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh ngày 21/12/1910 tại xóm Giang, làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, `phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thanh trì, Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp dân nghèo, cha làm thợ nề cho một công ty xây dựng của người Pháp ở Hà Nội, mẹ làm nông nghiệp nên Nguyễn Văn Đồi phải nghỉ học từ nhỏ. Do bị áp bức, bóc lột đến cùng cực, năm 1915, cha mẹ sang Côn Minh, Trung Quốc làm ăn, để lại Nguyễn Văn Đồi và người anh 7 tuổi, nhờ ông bà ngoại chăm nom, nuôi dậy. Vài năm sau, người anh cả qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chữa trị. Sau đó, do cuộc sống quá khó khăn, không thể nuôi nổi cháu, nên ông bà ngoại phải tìm cách gửi Nguyễn Văn Đồi sang Trung Quốc để bố, mẹ anh nuôi dưỡng.
Mặc dù còn nhỏ, nhưng vì nhà nghèo nên Nguyễn Văn Đồi phải đến học việc ở nhà máy xe lửa Vân Nam, do chăm chỉ nên chẳng bao lâu anh được nhận vào làm thợ phụ. Sau những giờ lao động mệt nhọc, Nguyễn Văn Đồi vẫn tranh thủ học tập văn hóa, võ thuật, rèn luyện bản thân để nuôi chí lớn. Tuy xa Tổ quốc, nhưng bằng nhiều cách, anh vẫn tìm hiểu về tình hình đất nước và anh biết người dân quê mình vẫn đang chịu cảnh lầm than, cơ cực vì sự thống trị của chủ nghĩa thực dân.
Trung tướng Vương Thừa Vũ
Ở xứ quê người, trong đầu Nguyễn Văn Đồi luôn suy nghĩ làm thế nào để quê hương anh được giải phóng, người dân bớt lầm than và qua thực tế anh đã rút ra được chân lý: muốn thoát khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc thì toàn dân phải đồng lòng, khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân. Vì thế, khi quân Nhật xâm chiếm Mãn Châu, Nguyễn Văn Đồi đăng lính quân đội Trung Hoa quốc dân Đảng. Năm 1937, anh quyết tâm thi đỗ vào trường Võ bị Quân sự Hoàng Phố. Tại đây, Nguyễn Văn Đồi được tiếp xúc với những người cộng sản Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn…Qua họ, anh được truyền thêm nhiệt huyết cách mạng.
Lòng yêu nước cùng nỗi căm phẫn quân xâm lược đã thôi thúc Nguyễn Văn Đồi đưa gia đình trở về quê hương. Năm 1940, vào một đêm cuối đông, trời rét cắt da, cắt thịt, anh quyết định đưa vợ và hai con nhỏ lên tàu hỏa, dặn dò khi tàu hỏa về đến sát biên giới thì xuống tàu, mấy mẹ con đi bộ, men theo bờ sông Hồng, ngược về phía thượng lưu chừng dăm cây số thì dừng lại, tìm cách đi đò ngang sang đất Việt Nam. Sau đó, ba mẹ con thăm dò, nghe ngóng, đợi có bè gỗ nào xuôi về Hà Nội thì xin đi, đến khu vực Hà Nội thì lên bờ và hỏi đường về quê.
Trung tướng Vương Thừa Vũ và vợ là bà Lê Thị Hợp
Mặc dù trong lòng “ngổn ngang trăm mối” khi không biết vợ con có được bình an, nhưng Nguyễn Văn Đồi vẫn phải làm như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục công tác trong quân đội Trung Hoa. Một thời gian ngắn sau, anh vui mừng nhận được tin vợ và các con đã trở về quê an toàn. Đầu năm 1941, Nguyễn Văn Đồi quyết định bước ngoặt của cuộc đời mình. Vào một đêm tối đen như mực, anh trút bỏ bộ quân phục, mặc quần áo công nhân hỏa xa, lặng lẽ lên tàu về hướng Lào Cai, Việt Nam để vượt biên, trở về Tổ quốc.
Ngay sáng hôm sau, không thấy Nguyễn Văn Đồi đến làm việc, hỏi gia đình, không ai rõ, cơ quan Trung Quốc nơi Nguyễn Văn Đồi làm việc đã báo cảnh sát địa phương truy lùng, anh vừa đặt chân vào ga phố Mới, Lào Cai thì ngay lập tức bị mật thám Pháp vây bắt. (Còn tiếp).
Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ