Mỗi dịp tháng Mười đến, người dân Thủ đô lại nhớ về vị Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội (1946), một vị tướng Trí - Dũng- Nhân - Tín - Liêm - Trung, một người con đã cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng Thủ đô Hà Nội, đó là Trung tướng Vương Thừa Vũ.
Phần 3: Người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội
Sau khi vượt ngục thành công, từ Nhà tù Nghĩa Lộ (Yên Bái) trở về Hà Nội, Vương Thừa Vũ bắt được liên lạc với tổ chức Đảng. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ông được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp quản, phụ trách và chỉ huy lực lượng Bảo an binh ở Hà Nội. Tháng 12/1946, trước tình hình quân Pháp gây hấn, Bộ Tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam đã chỉ định Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng Quân khu 11 - Quân khu đặc biệt Hà Nội.
Theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo Mặt trận Hà Nội nghiên cứu phương án tác chiến. Với vai trò Chỉ huy trưởng, Vương Thừa Vũ đã đề xuất cách đánh địch theo chiến thuật “cài then cửa” hay còn gọi “trùng độc chiến”. Đó là cách đánh du kích, khi ẩn, khi hiện trong từng căn nhà, từng góc phố, kết hợp phục kích tổ, đội với bắn tỉa từng cá nhân; trong đánh, ngoài vây, kết hợp tiến công với phòng ngự nhằm tiêu hao, ngăn chặn địch từng bước…Kế hoạch tác chiến và thế trận độc đáo, sáng tạo của Vương Thừa Vũ đã được Bộ Tổng chỉ huy đồng tình phê duyệt và khen ngợi.
Tự vệ Hà Nội chiến đấu bảo vệ từng căn nhà, góc phố Thủ đô Hà Nội,
tháng 12/1946
Trong 60 ngày đêm chỉ huy mặt trận Hà Nội, Vương Thừa Vũ luôn theo dõi sát sao hàng ngày, hàng giờ từng trận chiến đấu của quân, dân ba liên khu để có những quyết định kịp thời, điều động các tiểu đoàn vệ quốc quân vừa chặn, vừa đánh, vừa tiêu hao sinh lực địch bằng chiến thuật hết sức sáng tạo, thần diệu “hóa chỉnh, vi linh” trên địa bàn các phố cổ, phố tây, các cửa ô, các làng, xã ngoại thành… Với những nỗ lực tuyệt vời, Vương Thừa Vũ cùng quân và dân Thủ đô đã chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy (khoảng 6.500 binh lính, sĩ quan Pháp) dòng dã hai tháng trời, tạo điều kiện cho cả nước triển khai chiến lược trường kỳ kháng chiến. Với cuộc rút quân thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô ra khỏi liên khu I trong điều kiện bị địch bao vây bốn bề, Hà Nội đã thực hiện xuất sắc chủ trương diệt địch đi đôi với bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài cho ngày toàn thắng.
Các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đã rút khỏi Liên khu I, Hà Nội
sang bờ Bắc sông Hồng, sáng 18/2/1947
Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, Vương Thừa Vũ được điều động về làm Khu bộ phó khu IV. Cuối năm 1947, ông được giao nhiệm vụ làm Phân khu trưởng Phân khu Bình Trị Thiên. Năm 1948, ông được phong hàm Đại tá trong đợt phong hàm chính thức đầu tiên của Quân đội Việt Nam.
Khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn “chuẩn bị tổng phản công”, ngày 28/8/1949, Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Đại đoàn 308) thành lập tại Thái Nguyên. Vương Thừa Vũ được giao làm Đại đội trưởng kiêm Chính ủy. Trong muôn vàn gian khó, ông lại cùng Đại đoàn 308 chiến đấu, tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như: Sông Lô, đường 4; Biên Giới, Trung Du, Đông Bắc, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. Những chiến công hiển hách của các đơn vị thuộc Đại đoàn “Thép” gắn liền với tên tuổi của Vương Thừa Vũ. Ngày 28/9/1954, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng.
Lễ thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên
của Quân đội Nhân dân Việt Nam (ngày 28/8/1949)
Tháng 10/1954, Đại đoàn quân tiên phong 308, trong đó có Trung đoàn Thủ đô “ra đi hẹn ngày trở về” vinh dự trở về tiếp quản Thủ đô. Với cương vị Đại đoàn trưởng, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng với Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng đã đưa đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô.
Các chiến sỹ thuộc Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tháng 10/1954
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sỹ Trần Duy Hưng bước vào Nhà hát Lớn, chuẩn bị cho buổi ra mắt
Ủy ban Quân chính trước nhân dân Hà Nội, ngày 10/10/1954
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng
trong lễ mừng chiến thắng, tại sân Cột Cờ Hà Nội, chiều 10/10/1954
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vương Thừa Vũ được giao chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, phụ trách công tác huấn luyện cho các lực lượng chủ lực có nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc cũng như các đơn vị bộ đội và cán bộ nhận nhiệm vụ vào miền Nam đánh Mỹ. Với nhiệm vụ được giao, ông lại đem hết nghị lực, trí tuệ, tài năng để cống hiến, góp phần vào đại thắng mùa Xuân, năm 1975.
Với những đóng góp to lớn cho quân đội và đất nước, năm 1974, Vương Thừa Vũ được phong hàm Trung tướng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Dù ở cương vị công tác nào, Trung tướng Vương Thừa Vũ luôn giữ vững phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “…Vương Thừa Vũ là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn nhưng coi trọng đoàn kết… Anh có lối sống cần kiệm giản dị, liêm khiết, mẫu mực, không chạy theo danh lợi, luôn luôn nghĩ đến việc làm có ích cho xã hội, cho quân đội…Và bao trùm lên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng, một vị tướng Trí-Dũng- Nhân-Tín - Liêm - Trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy…”.
Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ