Bà Hoàng Thị Ái, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Là một trong những nữ Đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bà đã dành trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hoàng Thị Ái xuất thân trong một gia đình quan lại nổi tiếng ở Quảng Trị, ông nội bà là cụ Hoàng Hữu Xứng, từng có 30 năm làm quan dưới 7 đời vua Nguyễn. Năm 1927, bà tham gia vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại quê nhà, sau đó trở thành một trong những nữ đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1929, phong trào cách mạng ở các tỉnh Trung Kỳ phát triển mạnh mẽ, bà Hoàng Thị Ái được tổ chức bố trí làm thư ký cho ông Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Để đảm bảo bí mật và thuận tiện công tác, tổ chức đã yêu cầu hai ông bà đóng giả làm vợ chồng. Hai người phải cùng nhau chung sống dưới một mái nhà để che mắt địch và dễ dàng thâm nhập vào phong trào công nhân ở địa phương. Chính trong những ngày cùng nhau hoạt động cách mạng, giữa hai người đã nảy sinh tình cảm với nhau. Được sự ủng hộ của tổ chức, ông bà đã trở thành vợ chồng thật sự, dù bà cũng biết rằng ông đã có vợ con ở Hà Nội.
Nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc
\
Tuy nhiên, bà chỉ được sống những ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi của một người vợ. Năm 1931, khi bà mới sinh người con gái đầu lòng được hơn 1 tháng, ông bà phải chia tay nhau mỗi người một nơi đi làm nhiệm vụ. Ông là người lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn bà lên đường làm nhiệm vụ khác. Đứa con sơ sinh còn khát sữa mẹ phải gửi nhờ gia đình một cơ sở cách mạng nuôi giúp. Ngày chia tay chồng, con lên đường làm nhiệm vụ, bà chẳng thể ngờ rằng đó là ngày cuối cùng bà được gặp những người thân yêu nhất của cuộc đời mình.
Tháng 3 năm 1931, bà nhận được tin chồng bị giặc bắt tại ga Hàng Cỏ đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò và hy sinh ngay sau đó một thời gian ngắn. Bản thân bà cũng bị địch bắt vào tù. Năm 1935, khi vừa được trả tự do, quay trở lại gia đình cơ sở cũ, nơi bà đã gửi đứa con còn đỏ hỏn, thì bà lại nhận được tin sét đánh: vợ chồng gia đình cơ sở cách mạng đó cũng bị địch bắt sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, con của bà cùng với con của đôi vợ chồng ấy đã chết vì khát sữa. Bà trở thành người phụ nữ góa chồng, mất con khi mới 35 tuổi.
Trong cuốn hồi ký của mình, bà Hoàng Thị Ái tuyệt nhiên không nói tới những đau khổ, mất mát mà bà từng trải qua. Ngay cả với những người thân trong gia đình, bà cũng hầu như không chia sẻ những câu chuyện buồn đau cũ nhưng tất cả con cháu đều hiểu những đau đớn, thiệt thòi và những hy sinh mà bà đã phải chịu đựng.
Đã có nhiều người khuyên bà cố gắng nguôi ngoai nỗi đau mất mát để xây dựng hạnh phúc mới, vì khi đó bà còn rất trẻ, có nhiều người ngỏ ý, nhưng bà đều nhẹ nhàng từ chối. Bà nói, sau khi chồng con mất, bà chỉ có hai nguyện vọng: ở vậy thờ chồng, thờ con và dành trọn đời mình cho cách mạng.
Tháng 5/1940, bà bị thực dân Pháp bắt và giam tại khu trại nữ Nhà tù Hoả Lò. Phòng giam có khoảng 40 người, diện tích nhỏ, ngột ngạt vì lúc nào cũng bị thiếu không khí.
Trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, bà Hoàng Thị Ái đã nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù. Bà được tín nhiệm cử vào ban phụ trách chung cùng với các bà Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân), Trương Thị Viếng… có nhiệm vụ lãnh đạo các tiểu ban và mọi hoạt động của tập thể nữ tù nhân. Ngoài ra, bà còn được cử vào tiểu ban Trật tự, chịu trách nhiệm chăm lo trật tự chung của trại và trật tự vệ sinh.
Với vai trò của mình, bà Hoàng Thị Ái thường xuyên vận động chị em tham gia đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, đồng thời giác ngộ cách mạng đối với nữ tù thân Nhật và nữ tù thường phạm. Với dáng người nhỏ, tóc búi tó, giọng nói Quảng Trị ấm áp, luôn gần gũi, hòa đồng với chị em nên trong tù, bà được nữ tù nhân quý mến, gọi bằng tên thân mật là “chú Ái”.
Trại giam Nữ tù nhân, Nhà tù Hỏa Lò
Tháng 6/1945, được trả tự do, bà Hoàng Thị Ái trở về quê hương tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Bà được cử làm Tỉnh ủy viên, thành viên Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Quảng Trị, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Phụ nữ cứu quốc của tỉnh.
Đại hội Phụ nữ Toàn quốc lần thứ nhất (nhiệm kỳ 1950 - 1956) tại Đại Từ, Thái Nguyên đã bầu bà Hoàng Thị Ái giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Sau đó, bà tiếp tục giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu.
Nguyện hy sinh hết đời mình cho cách mạng, quên đi hạnh phúc riêng tư, cuộc đời bà Hoàng Thị Ái đã được bù đắp phần nào khi bà gặp người con trai út của nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc và người vợ đầu của ông.
Trong những năm tháng hoạt động ở chiến khu, bà tình cờ gặp người lính trẻ Nguyễn Phong Vinh. Qua lời những người đồng chí, bà mới biết đó là con trai của ông Nguyễn Phong Sắc. Kể từ đó, trong những ngày công tác ở chiến khu, bà luôn chăm sóc người con riêng của chồng và coi anh như con ruột của mình. Sau này, qua người con của chồng, bà tiếp tục gặp được người vợ đầu của ông - bà Trịnh Thị Cán.
Ngày gặp mặt, hai người phụ nữ cùng chung số phận nỗi đau mất chồng họ coi nhau như chị em ruột. Xúc động trước tình cảm của bà Hoàng Thị Ái dành cho con trai mình, bà Trịnh Thị Cán đã nắm tay bà Hoàng Thị Ái rưng rưng nước mắt: “Chị có công sanh thì em có công dưỡng. Từ giờ, con của chị cũng là con của em. Anh Sắc không còn, chị em ta đùm bọc yêu thương nhau, coi nhau như chị em ruột thịt”.
Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Thị Thu Hiền, phòng Nghiên cứu Sưu tầm