Bác sỹ Trần Văn Lai sinh năm 1894 trong một gia đình làm nghề khảm trai. Ông không theo nghề của gia đình mà theo học ngành y và trở thành Bác sỹ nổi tiếng của nhà thương Phủ Doãn (Bệnh viện Việt Đức ngày nay). Là một người điềm đạm, nhân hậu, ông đảm nhiệm chức Phó Hội trưởng Hội Tế sinh. Tại ngôi nhà riêng của ông (trong ngõ Tức Mạc gần phố Trần Hưng Đạo ngày nay), nhiều năm liền là nơi người nghèo Hà Nội đến khám chữa bệnh, được ông cấp thuốc miễn phí. Với lòng yêu nước, thương dân, căm ghét thực dân Pháp xâm lược, năm 1938 ông được bầu vào Viện Dân Biểu nhưng ông từ chối ngay vì nhận ra đây chỉ là Nghị viện bù nhìn của thực dân Pháp. Ngày 27/10/1943, ông bị thực dân Pháp bắt, đưa lên Nhà tù Sơn La cùng bị giam với nhà văn Hoàng Công Khanh, sau chúng chuyển ông về Nhà tù Hỏa Lò. Đầu năm 1945, Trần Văn Lai được trả tự do và ngày 20/7/1945, ông được mời ra làm Đốc lý Hà Nội. Chỉ trong vòng 1 tháng (từ ngày 20/7 đến ngày 19/8/1945), giữ chức Thị trưởng nhưng có rất nhiều việc ông làm đã đặt dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Hà Nội cho đến tận hôm nay: Đặt tên cho nhiều con phố, vườn hoa ở Hà Nội.
Tòa Thị chính Hà Nội
Lần thứ hai, bác sĩ Trần Văn Lai bị thực dân Pháp bắt giam tại Hỏa Lò là vào ngày 22/12/1946, ngay sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, với lý do được chúng đưa ra “đảm bảo an toàn cho các nhân sĩ, trí thức”. Cùng bị tạm giam tại Hỏa Lò lúc này với Bác sỹ Trần Văn Lai còn có: Cụ Phạm Khắc Hòe, Kĩ sư Đào Trọng Kim, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Vũ Văn Hiền và Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, họ đã thành “một mâm” đủ 6 người trong Nhà tù Hỏa Lò. Hàng ngày, ngoài hai bữa cơm muối, các nhân sĩ, trí thức đã cùng thảo luận những vấn đề thời sự, mà trọng tâm là hai nội dung:
+ Một là: Ai đánh trước? ta hay Tây (Thực dân Pháp)?
+ Hai là: Cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt mau hay lâu và chấm dứt như thế nào?
Ngày 30/12/1946, Pinhông, cố vấn chính trị của Toàn quyền Đông Dương vào Nhà tù Hỏa Lò thăm và nói chuyện với các nhân sĩ, trí thức, hắn không dám huyênh hoang mà nhã nhặn nói: “Sở dĩ nhà chức trách Pháp phải đưa các ông vào đây là để đảm bảo an toàn cho các ông…”.
Chiều ngày 02 tháng Giêng năm 1947, tên sếp ngục Hỏa Lò - Pơti thông báo cho các nhân sĩ biết rằng, sáng ngày 03 tháng Giêng năm 1947, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Mutê (Moutet) từ Pháp sang Đông Dương, sẽ vào Hỏa Lò thăm và nói chuyện với họ. Tất cả 6 người đều dự đoán thế nào Mutê cũng tìm cách tán tỉnh và lôi kéo, mua chuộc nên họ đã tự nhắc nhở nhau phải đề cao cảnh giác, giữ đúng tư thế người trí thức yêu nước. Nhưng trong thực tế, cuộc gặp mặt và nói chuyện đã diễn ra khác với dự đoán của các ông. Mutê đã tỏ thái độ lạnh lùng và rất nhâng nháo khi cho rằng “Việt Minh thật là dại dột, phiêu lưu khi chỉ có mấy chục khẩu súng quèn mà dám tấn công lại một đội quân thiện chiến như quân đội viễn chinh Pháp, được trang bị vũ khí tối tân”. Hắn cho rằng, những nhân sĩ, trí thức “biết ở lại Hà Nội không chạy theo Việt minh là khôn!”. Hắn còn huyênh hoang “Các ông hãy chờ thêm ít hôm, chúng tôi sẽ quét sạch bọn phiến loạn, phiêu lưu và trả lại tự do cho các ông. Các ông có thỉnh cầu gì không?”.
Tất cả những nhân sỹ, trí thức Hà Nội đều im lặng, không ai thèm nói gì với Mutê, họ thể hiện rõ sự khinh bỉ tên thực dân “cấp cao” ấy. Mutê cảm thấy lúng túng, trơ trẽn, vội chào “tạm biệt” và nói với bác sĩ Trần Văn Lai cùng đi với hắn lên phòng tên sếp ngục để “nói chuyện riêng”. Mutê tưởng rằng, hắn và bác sỹ Trần Văn Lai cùng là đảng viên Đảng Xã hội nên có thể lung lạc được ý chí của vị nhân sĩ này, nhưng hắn cũng đã nhầm, hắn không thể làm lay chuyển được ý chí và lòng yêu nước của những người trí thức Việt Nam, dù rằng họ với hắn đang cùng chung một Đảng phái.
Bộ trưởng thuộc địa Pháp Mutê (Moutet), năm 1933
Mỗi nhân sỹ, trí thức đều có những dự đoán khác nhau về tình hình chiến tranh Đông Dương mà thực dân Pháp đang âm mưu tiến hành, nhưng tất cả họ đều nhất trí rằng Chính quyền thực dân sẽ tìm đủ mọi cách lần lượt lôi kéo, lợi dụng từng người, nên họ nhắc nhở nhau phải luôn cảnh giác dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào./.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục - Truyền thông
* Tài liệu tham khảo: Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, hồi ký của Phạm Khắc Hòe.