Tin tức– Sự kiện
01/11/2017 17:31 01/11/2017 17:31 1326
Hỏa Lò trong trái tim người bạn Nga
Nhận lời mời của Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông Nikolai Nicolaevich Kolesnik, Chủ tịch Chủ tịch đoàn Hội Cựu chiến binh Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam thời kỳ 1965 - 1974 đã đến Hà Nội dự buổi giao lưu nghệ thuật đặc biệt Việt - Nga “Vang mãi Bài ca Tháng Mười”, chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, được tổ chức vào 20 giờ, ngày 29/10/2017. Ông Nikolai Nicolaevich Kolesnik không chỉ là một thầy giáo mà còn là người bạn Nga, đã cùng “chia lửa” với các chiến sỹ Bộ đội Tên lửa trên các trận địa phòng không ở Việt Nam, trong những năm 1965 - 1966.
 
 
Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt Việt - Nga “Vang mãi Bài ca Tháng Mười”, 
chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười
 
Chiều muộn một ngày cuối tháng Mười, trong cái se lạnh của mùa Thu Hà Nội, chúng tôi được đón 2 vị khách đặc biệt: một người Việt Nam và một vị khách nước ngoài, họ đi cùng nhau và dừng chân trước cổng Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, họ tự giới thiệu là những cựu chiến binh Việt Nam và Liên Xô, có mong muốn được vào tham quan di tích. 
 
 
Ông Nikolai Nicolaevich Kolesnik trò chuyện 
với cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
 
Sau những câu chào hỏi xã giao ban đầu, một cảm giác thân thiện, cởi mở đến từ người bạn Nga đã lan tỏa sang chúng tôi, những cán bộ của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Hướng dẫn 2 vị khách đặc biệt đi tham quan, mà thực chất đó là một cuộc trò chuyện để có thêm sự hiểu biết về nhau, chúng tôi rất bất ngờ được biết, người bạn Nga chính là Ông Nikolai Nicolaevich Kolesnik, một chuyên gia về bệ phóng Tên lửa, là một trong những người Nga đầu tiên sang Việt Nam để giảng dạy và hướng dẫn Bộ đội Tên lửa Việt Nam trong cuộc chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ, người đi cùng Ông cũng là một cựu sĩ quan tên lửa Việt Nam, Ông Ninh Công Khoát. 
Trong chiến tranh, Nikolai Nicolaevich Kolesnik luôn sát cánh cùng với các chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam trong các trận đánh trả máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc Việt Nam, góp phần vào chiến công chung của quân và dân miền Bắc. Ông là thầy giáo và cũng là đồng đội của các chiến sỹ bộ đội thuộc Tiểu đoàn Tên lửa 61, Trung đoàn 236 - đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay A-E4 do Thiếu tá Hải quân phi công John McCain điều khiển, mang bom đi bắn phá Nhà máy Điện Yên Phụ vào ngày 26/10/1967, phi công đã phải nhảy dù xuống Hồ Trúc Bạch, sau đó được cứu vớt và đưa về tạm giam tại Trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò, Hà Nội chờ ngày trao trả. 
 
 
Nikolai Nicolaevich Kolesnik dừng chân rất lâu ở hai phòng giới thiệu 
những hiện vật về cuộc sống của phi công Mỹ
 
Bước chân chậm rãi qua các phòng trưng bày, chăm chú quan sát những hiện vật, hình ảnh mà Ông cảm thấy thích thú: sa bàn toàn cảnh, ảnh tư liệu về các trại giam thời Pháp và đặc biệt, Nikolai Nicolaevich Kolesnik đã dừng chân rất lâu ở hai phòng giới thiệu những hiện vật về cuộc sống của phi công Mỹ tại các trại giam ở Hà Nội. Đứng trước những bức ảnh chụp các trận địa pháo cao xạ, trận địa Tên lửa Phòng không được trưng bày tại đây, Ông Nikolai Nicolaevich Kolesnik nhớ lại: “Trong chiến tranh, bộ đội Việt Nam và các chuyên gia Nga luôn sát cánh bên nhau, cuộc sống tuy rất kham khổ, nếu so với bữa ăn của phi công Mỹ ở đây thì bữa ăn của chúng tôi và bộ đội Việt Nam không thể bằng, vậy mà tinh thần chiến đấu rất cao và rất lạc quan, yêu đời”.
 
 
Nikolai Nicolaevich Kolesnik đã ghi lại những cảm xúc của mình sau khi tham quan
 
Sau gần 2 giờ lưu lại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, trước khi ra về Nikolai Nicolaevich Kolesnik đã ghi lại những cảm xúc của mình: “Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò đã và đang phản ảnh cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam anh hùng, vì nền độc lập, tự do của đất nước. Những hiện vật trưng bày trong bảo tàng đã gây cho tôi một cảm xúc mạnh mẽ, các phòng giam các chiến sỹ yêu nước Việt Nam đã nói lên tinh thần đấu tranh bất khuất trong cuộc đấu tranh với kẻ thù và họ đã giành được thắng lợi. So sánh những điều kiện sinh hoạt trong nhà tù của các phi công Mỹ trong thời điểm lúc bấy giờ và điều kiện sống của các chiến sỹ yêu nước bị tù đày thời Pháp thì các phi công Mỹ không thể kêu ca điều gì về Việt Nam đối xử với tù nhân” - Nikolai Nicolaevich Kolesnik - Chủ tịch Chủ tịch đoàn Hội CCB Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam, 1965 - 1974.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục - Truyền thông
Ảnh: Dương Thanh Hùng

Chia sẻ: