Phần 3: Kỷ vật thời chiến
Trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954, ông Nguyễn Đức Minh với vai trò là cán bộ công an Hà Nội nhận nhiệm vụ tiếp quản Nhà lao Hỏa Lò và trụ sở Nha Công an Bắc Việt tại số 87 đường Gambetta (Trần Hưng Đạo), bảo vệ, quản lý toàn bộ hồ sơ tài liệu, phương tiện trong các cơ quan khi tiếp quản.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Nguyễn Đức Minh được giao nhiệm vụ trinh sát, bảo vệ chính trị Sở Công an Hà Nội. Năm 1958, ông được điều về công tác tại Bộ Công an. Là người tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ, bị địch bắt tù đày qua nhiều nhà tù, chịu nhiều tra tấn cực hình, nhưng ông luôn giữ gìn phẩm chất người cách mạng, vượt qua gian khổ, rèn luyện bản lĩnh chính trị ngay trong nhà tù thực dân, luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, đầu năm 1965, ông tình nguyện viết đơn gửi lãnh đạo Bộ Công an xin vào Nam chiến đấu.
Ông Nguyễn Đức Minh (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (người mặc áo trắng đứng giữa) tại Hà Nội trước khi đi B, năm 1965
Địa bàn trong những năm tháng chiến đấu của ông thuộc Khu VI, là dải đất cuối cùng của duyên hải miền Trung và đoạn cuối rặng Trường Sơn thường gọi là cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, gồm các tỉnh: Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Khu VI là địa bàn rừng núi, thiếu thốn nên các cán bộ chiến sỹ phải uống nước suối, ăn rau rừng thay cơm, đội nắng, dầm mưa, nhiều người bị sốt rét, bị dịch bệnh, rụng tóc, teo cả tay chân. Sinh hoạt khắc nghiệt nhưng các chiến sỹ luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, sống và chiến đấu hết mình. Ông Nguyễn Đức Minh cùng anh em phát huy “hậu cần tại chỗ”, cán bộ chiến sỹ thường xuyên tăng gia trồng ngô, trồng sắn và hái rau rừng (lá bép) ăn qua ngày.
Tháng 9/1966, ông Nguyễn Đức Minh hoạt động trên địa bàn Sở Trà, Tứ Quý, ranh giới giữa huyện Bảo Lộc và Di Linh để thu thập tin tức, tình hình cho An ninh Khu VI và Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. Qua đồng chí Tám Cảnh, Thường vụ tỉnh ủy phụ trách tiền phương, ông Nguyễn Đức Minh đã phối hợp công tác với Tiểu đoàn 186, đây là tiểu đoàn độc lập của Quân khu VI.
Tháng 11/1966, trong một trận đánh tại Sở Trà, một trung đội thuộc Tiểu đoàn 186 đã bắt sống Trưởng ty Mục súc (là thành viên trong cơ quan bình định nông thôn ngụy) và thượng sỹ ngụy thuộc tiền khu. Ông Nguyễn Đức Minh đã khai thác và nắm được nhiều thông tin, tổ chức bộ máy hành chính của ngụy quyền tại Lâm Đồng.
Với mỗi cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là người làm công tác điệp báo thường xuyên phải hoạt động trên địa bàn rừng núi, phải luồn sâu trong lòng địch gây dựng và bám sát cơ sở nên những vật dụng để đựng nước, thực phẩm rất quan trọng. Biết được những khó khăn gian khổ như vậy, một chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 186 đã tặng ông Nguyễn Đức Minh chiếc bi đông là chiến lợi phẩm thu được trong trận đánh.
Bi đông được ông Nguyễn Đức Minh rất quý vì ngoài công dụng đựng nước, nó còn giữ được nhiệt trong thời gian lâu. Bi đông luôn để trong ba lô hay được ông đeo bên mình khi vượt rừng, luồn sâu trong lòng địch nắm bắt tin tức và gây dựng cơ sở.
Bi đông, ông Nguyễn Đức Minh sử dụng tại Khu IV
Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 186 đánh mở rộng kiểm soát vùng An Lạc. Để chuẩn bị đón Tết Đinh Mùi, hai bên thỏa thuận ngừng bắn trong 7 ngày từ 30 Tết Âm lịch. Trên trục đường 20 đến xã An Lạc, Tiểu đoàn 186 đã cho dựng cổng chào và cắm cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Minh đóng vai Thư ký Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tại Lâm Đồng đến các Sở Trà tuyên truyền về chính sách của mặt trận và được các chủ Sở tin tưởng ủng hộ. Trong thời gian này, ông đã mua một hộp sữa bột để bồi bổ sức khỏe, nhưng với mục đích chính là giữ lại vỏ để đựng “lương khô” trong những lần công tác (lương khô theo cách gọi của cán bộ chiến sỹ phải nằm rừng bám địch, gây dựng cơ sở là các loại mắm hay đồ mặn để nấu rau rừng thay cơm).
Vỏ hộp sữa, ông Nguyễn Đức Minh sử dụng tại Khu VI
Trải qua nhiều vị trí công tác như Trưởng tiểu ban điệp báo, Ủy viên Ban An ninh Khu VI. Đặc biệt, từ giữa tháng 3/1975, ông cùng lực lượng An ninh Khu VI được giao nhiệm vụ xâm nhập vào hệ thống phòng thủ tiền phương của địch, nhằm "lót ổ" chuẩn bị cho đại quân đánh thẳng vào Sài Gòn. Những hoạt động mưu trí, dũng cảm và táo bạo của ông cùng các chiến sĩ Ban An ninh Khu VI đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cả dân tộc.
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh
(Cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò)
Dù phải luồn sâu trong lòng địch hay trong chiến dịch, ông đều mang theo chiếc bi đông và vỏ hộp sữa bên mình, đó là vật hữu dụng cũng là kỷ vật gắn bó với ông trong suốt những năm tháng hoạt động gian khổ trên chiến trường Khu VI, được ông nâng niu, gìn giữ suốt bao năm qua. Ngày 22/5/2017, ông Nguyễn Đức Minh đã hiến tặng hai kỷ vật trên cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày tại di tích.
Tổng hợp: Dương Thanh Hùng - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm