Tin tức– Sự kiện
17/11/2017 13:52 17/11/2017 13:52 2012
Thầy giáo trong Nhà lao Hỏa Lò
Nhân dịp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi xin được giới thiệu về một Nhà giáo Ưu tú, một chiến sỹ cách mạng và cũng là một cựu tù chính trị Nhà lao Hỏa Lò, ông Nguyễn Tiến Hà, hiện là Trưởng Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò. 
Ông Nguyễn Tiến Hà, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông còn có người anh trai thứ hai là Nguyễn Hữu Văn, đã từng là cận vệ và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Tạ Quang Chiến (Là một trong số 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi).
Ông Nguyễn Tiến Hà từng thi đỗ tú tài từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó cũng chính là những ngày tháng sục sôi cách mạng, ông đã hăng hái gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có một việc công khai: làm giáo viên truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân. Không ngờ, cái nghề thầy giáo bắt đầu từ đấy đã trở thành cái nghiệp theo ông suốt cuộc đời. Ngay cả trong quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò, ông cũng là một người lãnh đạo, một thầy giáo được nhiều anh em tù nhân quý trọng.
Những năm kháng chiến, với chiếc đèn dầu trong tay, đêm đêm ông đến Trường “Công ích” nằm trong Ngõ Chùa Liên Phái - Phố Bạch Mai để dạy chữ cho người lao động, qua đó giác ngộ, tập hợp họ theo cách mạng.
 
 
Đồ dùng học tập của học sinh lớp “Bình dân học vụ”
 
Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, ông xung phong gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trận đầu tiên, ông và đồng đội chiến đấu, quyết tử trên chiến lũy “Ô Cầu Dền” thuộc Liên khu II, góp phần cùng quân và dân Hà Nội cầm chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa, sau đó tạm rút về an toàn khu.
 
 
Lớp “Bình dân học vụ” phường Lương Yên, Hà Nội
 
Năm 1948, ông được điều động về vùng địch tạm chiếm thuộc nội thành Hà Nội để gây cơ sở với vỏ bọc “giáo sư”, dạy các môn Anh, Pháp, Toán. Khi thì ông làm gia sư cho con cháu những gia đình khá giả, có thời gian ông lại về giảng dạy ở các trường như:  Trường Saint Thérèse, Trường Schoola… Chính nhờ việc dạy học, ông đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh tinh thần yêu nước, khéo léo vận động học sinh của mình đi theo kháng chiến. Ông còn thông qua những người có uy tín như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư Mai Phương… để vận động các nhân sĩ, trí thức ủng hộ Cách mạng. Cũng từ đây, ông chính thức mang tên Nguyễn Tiến Hà (bí danh đó thực chất là việc gọi chệch của lời thề “Nguyện Tiến về Hà Nội” mà ông luôn nung nấu trong mình).
 
 
Ông Nguyễn Tiến Hà (Ngoài cùng bên phải) 
trong một buổi giao lưu với thế hệ trẻ Thủ đô
 
Tháng 5/1950, không may ông bị địch bắt cùng với nhiều sách vở và giấy tờ tùy thân, trong đó có tấm thẻ căn cước giả mang tên Trần Hữu Thỏa (lại một bí danh khác của ông) với nghề nghiệp “Giáo sư”. Ông bị địch đưa về Sở Mật thám tra khảo, hỏi cung… nhưng chúng đã không khuất phục được người trí thức cách mạng. Cũng chính tại Sở Mật thám (nay là Sở Công an Hà Nội), ông đã cùng với một số đồng chí khác tìm cách đào tường vượt ngục. Nhưng khi đang trên đường ra căn cứ, do giao thông viên không thạo đường nên ông và 3 đồng chí nữa đã bị địch vây bắt trở lại. Lần này, ông phải chịu những đòn tra tấn tàn bạo hơn gấp nhiều lần, cơ thể ông gầy tọp đi, sức khỏe giảm sút tưởng chừng không qua khỏi. Cuối tháng 12/1950, địch chuyển ông sang Nhà tù Hỏa Lò nhằm phi tang. Nhưng ở đây, nhờ những đồng đội chăm sóc, thuốc thang, sức khỏe ông đã dần hồi phục.
 
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Võ Hồng Anh cùng các chiến sỹ cách mạng
từng bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò (Ông Nguyễn Tiến Hà đeo kính, đứng giữa)
 
Thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Nguyễn Tiến Hà đã được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, sau đó ông còn được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù. Ông đã cùng Ban Lãnh đạo các trại giam tổ chức cho anh em đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân. Đặc biệt, ông còn tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó, chính vì vậy mà anh em tù nhân đã gọi ông với cái tên thân mật: Thầy giáo Thỏa hay thầy Hiệu trưởng Thỏa. Nhờ được học tập tại các lớp học trong Hỏa Lò mà sau khi thoát khỏi nhà tù, nhiều anh em đã có thêm kiến thức và năng lực công tác để phục vụ cách mạng; nhiều người trong số họ lại tiếp tục học tập lên cao, trở thành kỹ sư, bác sỹ hay những nhà sư phạm… để rồi họ lại cống hiến sức mình cho Tổ quốc.
Cuối năm 1952, ông được trả tự do sau gần 3 năm sống trong nhà tù thực dân, ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa. Điều quý mến nhất ở ông mà mọi người đều nhận thấy đó chính là hơn nửa thế kỷ, ông đã đem hết tình cảm, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho cách mạng, cho nền giáo dục nước nhà. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
 
 
Ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng Ban Liên lạc nhận hoa 
từ Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động
 
Thật hiếm có người từng làm thầy giáo trong mọi hoàn cảnh như ông: Từ việc đi truyền bá chữ quốc ngữ; là thầy giáo trong vùng địch tạm chiếm; làm thầy giáo ngay trong nhà tù thực dân; rồi giáo sư của một trường đại học lớn và làm chuyên gia quốc tế về giáo dục. Và giờ đây, khi đã ở tuổi 90 ông lại nhận trách nhiệm: Trưởng ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954).
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục Truyền thông

Chia sẻ: