Đến tham quan trưng bày “Tìm lại ký ức” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, nhiều cô, bác đã nhận ra ngay những căn hầm tăng xê cùng không gian phố Hà Nội xưa. Dựng lại bối cảnh trên, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò hy vọng du khách trong và ngoài nước có thể hiểu hơn về một phần cuộc sống của người dân Thủ đô trong những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Những căn hầm trú bom hay còn gọi là “hầm tăng xê” (phiên âm từ tiếng Pháp: Tranchée, nghĩa là hầm trú ẩn, giao thông hào) đã trở thành hình ảnh đặc trưng, in sâu trong ký ức của người dân Hà Nội lúc bấy giờ.
Ông Đỗ Thọ, nguyên là kỹ sư điện, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Những lần đầu tiên, đang đi trên đường mà nghe có còi báo động và loa phóng thanh báo máy bay địch đến, mọi người đều lao xuống hầm, có vị nhảy xuống chưa kịp đậy nắp, người khác nhảy vào tiếp, ngồi lên đầu nhau. Nhưng về sau nó đánh như cơm bữa lại cảm thấy rất bình thường..”.
Người dân chuẩn bị xuống hầm trú bom ở ngay bên đường phố
Ông Nguyễn Hà Phong, khi đó mới 6 tuổi nhớ lại: “… Mùa đông năm 1972 rét lắm. Nhà tôi ở khu tập thể Kim Liên, trước cửa nhà có một vửa hầm tăng xê nửa nổi nửa chìm. Bọn trẻ chúng tôi hay chui vào hầm để chơi trốn tìm. Xung quanh có nhiều hầm khác nữa cho dân thường…Hôm nó đánh bệnh viện Bạch Mai, ngồi trong hầm mà thấy chao đảo như một cái võng đang lắc mạnh, người mình xô bên này, xô bên kia”.
Em bé xuống hầm trú bom
Tháng 3/1965, đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Ngày 29/6/1966, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Thủ đô Hà Nội. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Máy bay Mỹ không kích miền Bắc Việt Nam, năm 1972
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, người dân Thủ đô đã sẵn sàng trong tư thế chiến đấu với một niềm tin tất thắng. Trước sức công phá khủng khiếp của bom Mỹ, người Hà Nội vẫn lạc quan trả lời: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không thể sập được đó là con người”.
Thế trận phòng không nhân dân được củng cố. Những hầm trú bom cũng được chuẩn bị kỹ càng. Từ năm 1965 - 1972, thành phố Hà Nội có hơn 40 vạn hố cá nhân và 90.000 hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Mỗi người dân “sở hữu” ít nhất ba hầm trú ẩn: trong nhà, ở cơ quan và trên đường phố. Ít có thủ đô nào trên thế giới lại phải trang bị hệ thống hầm trú ẩn dày đặc đến như vậy.
Người dân Hà Nội đợi tiếng còi báo động ở trong hầm trú ẩn
Hầu như các tuyến phố ở Hà Nội đều có hầm trú bom. Hầm đặt nằm so le hai bên vỉa hè, giúp cho khoảng cách chạy từ nơi bất kỳ đến chỗ trú ẩn là ngắn nhất. Hầm được Xí nghiệp Xi măng Vĩnh Tuy sản xuất thủ công bằng các nguyên liệu như: xỉ than, vôi, cát, xi măng. Vật liệu sau khi được trộn sẽ đổ vào khuôn, đầm và chờ phơi khô. Hầm thường sâu hơn 1m, đường kính khoảng 80cm. Nắp làm bê tông cốt thép hoặc bện bằng rơm.
Sản xuất hầm trú ẩn cá nhân tại Hà Nội, năm 1972
Nhiều gia đình cũng tự đào những căn hầm đơn giản với vách làm bằng gỗ hoặc trát xi măng. Nhiều khu tập thể dựng những hầm chữ A với diện tích rộng. Trong hầm, người dân còn kê những chiếc phản, để sẵn chăn, màn, giường chiếu cùng các lu nước đầy.
Mỗi khi nghe loa truyền thanh phát ra tiếng còi báo động cùng với thông báo của phát thanh viên: “Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội 50 km. Đồng bào tìm nơi trú ẩn an toàn…”, ngay lập tức người đang ở trong nhà sẽ chạy ra hầm ở đầu ngõ, còn người đang đi trên đường sẽ chui xuống hầm ở ngay hè phố. Lâu dần việc này đã trở thành thói quen của người dân Hà Nội trong suốt những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đoàn Chi bộ trường mầm non Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội)
tham quan trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”, ngày 9/12/2017
Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, được nghe lại tiếng còi báo động năm xưa, nhìn lại những căn hầm tăng xê ngày ấy, nhiều du khách không khỏi bồi hồi xúc động và gửi lời cảm ơn Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò vì đã giúp họ “Tìm lại ký ức”. Còn các bạn trẻ đã cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, thấu hiểu hơn sự hy sinh xương máu của cha ông để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc: “Thật sự rất cảm động, rất khó khăn khi tìm hiểu về quá khứ của dân tộc mình! Mặc dù biết đất nước ta trải qua chiến tranh gian khổ nhưng đến hôm nay tôi mới cảm nhận sâu sắc về nó” (Lời ghi cảm tưởng của chị Xuân sau khi tham quan trưng bày “Tìm lại ký ức”, ngày 11/12/2017).
Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm