Tin tức– Sự kiện
13/12/2017 14:00 13/12/2017 14:00 2942
Những ký ức tuổi thơ
Tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội hiện đang trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” tái hiện lại lịch sử hào hùng của 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây vừa tròn 45 năm. Những hình ảnh, hiện vật được giới thiệu tại đây đã gợi lại trong tôi những ký ức của tuổi thơ ngày ấy.
 
 
Đối với người dân Hà Nội, những ngày bom đạn năm 1972 mãi còn trong ký ức
 
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà thành. Tuổi thơ tôi gắn liền với những năm tháng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, và những ngày cuối tháng 12 năm 1972 là ác liệt nhất.
Cuộc sống sinh hoạt của những người dân Hà Nội khi ấy, trong đó có gia đình tôi hầu như gắn liền với: những chiếc hầm trú ẩn, chiếc mũ rơm rộng vành, tiếng loa truyền thanh và đặc biệt là tiếng kẻng báo động mỗi khi có máy bay Mỹ tiến gần tới Hà Nội.
Thời điểm đó, giặc Mỹ bắn phá Hà Nội ác liệt, nhằm thực hiện ý đồ của Tổng thống Richard Nixon “Đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Hầu như ngày nào bầu trời Hà Nội cũng có tiếng gầm rú của động cơ máy bay, rồi đến tiếng kẻng báo động rồi tiếp đến là tiếng bom rơi, đạn nổ, đất rung, nhà sập…
Quân đội Mỹ đã sử dụng đủ các loại máy bay cho việc bắn phá Hà Nội, từ máy bay ném bom tầm xa như Con ma, đến Thần sấm rồi F111 và đặc biệt là máy bay ném bom rải thảm B-52. Nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng và thậm chí cả những khu vực đông dân cư như phố Khâm Thiên cũng đã bị bom Mỹ san phẳng chỉ sau một đêm, ngày 25/12/1972 - đúng ngày Lễ Noel. Nhưng sau hết, nhân dân Hà Nội đã giành chiến thắng, lập nên một trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đi vào lịch sử.
 
 
Phố Khâm Thiên sau trận bom ngày 25/12/1972
 
45 năm đã qua đi, cuộc chiến đấu anh dũng trong 12 ngày đêm của quân và dân Hà Nội cũng dần đi vào quá khứ, nhưng trong tâm trí tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh chiếc hầm trú ẩn, nơi đã che chở, đã cứu sống cả gia đình tôi thoát những trận ném bom rải thảm của máy bay B-52.
Trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972, ngày nào cũng vậy, chiếc loa truyền thanh ở đầu phố cũng có vài lần phát đi lời thông báo, vẫn chỉ một nội dung quen thuộc: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 70km”, rồi “máy bay địch cách Hà Nội 50km”… và ngay sau tiếng loa thông báo đó là tiếng kẻng báo động vang lên từng hồi hối hả, thúc giục, bất kể lúc đó là ngày hay đêm. Ngay lập tức, tôi và những người thân trong gia đình vơ vội chiếc mũ rơm đội lên đầu, chạy nhanh ra phía hầm trú ẩn công cộng ở đầu hồi khu nhà chúng tôi và nhảy ngay xuống đó, kéo cái nắp hầm bằng bê tông đậy lại, chúng tôi ngồi dưới hầm cho tới khi có tiếng còi báo yên toàn thành phố mới đẩy nắp hầm trèo lên. Cái cảm giác vẫn được an toàn sau mỗi trận bom thật khó có thể diễn tả nổi.
 
 
Các chiến sỹ quân đội và tự vệ Hà Nội bện nùn rơm cạnh hầm trú ẩn
 
Hành trang của lứa tuổi chúng tôi khi đó còn là những chiếc mũ rộng vành, được bện từ những sợi rơm sau khi đã tuốt sạch lúa và được phơi khô. Chiếc mũ rơm tuy có hơi nặng so với bọn trẻ chúng tôi, nhưng chúng tôi luôn mang mũ rơm bên mình mọi lúc, mọi nơi: Khi đi học, lúc ngồi ăn cơm, thậm chí ngay cả lúc ngủ thì mũ rơm cũng đặt cạnh bên mình. Hễ có tiếng kẻng báo động là ngay lập tức chụp mũ rơm lên đầu để chạy ra hầm trú ẩn. Có thể nói, chiếc mũ rơm là vật “bất ly thân” của chúng tôi thời kỳ đó.
 
 
Mũ rơm, hành trang không thể thiếu của học sinh Hà Nội năm 1972
 
Năm tháng đã trôi qua, những căn hầm trú bom năm xưa nay đã được lấp kín, những đổ nát ngày nào giờ đã được xây dựng lại, chiếc mũ rơm giờ chỉ còn thấy trong viện bảo tàng. Những người Hà Nội như chúng tôi, lớn lên dưới bom đạn, giờ đây có cuộc sống an lành, vẫn không thể quên những thời khắc lịch sử. Hơn ai hết, chúng tôi đều hiểu có những hi sinh, những đau thương mất mát ngày ấy mới có hòa bình cho hôm nay.
Lưu Văn Tiến - Phòng Hành chính - Tổng hợp

Chia sẻ: