Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước. Góp phần quan trọng tạo nên cuộc đấu tranh cách mạng rộng lớn của cả dân tộc là lực lượng học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội. Với tinh thần yêu nước, sự mưu trí, năng động của tuổi trẻ, hàng ngàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội đã tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp và trở thành chỗ dựa vững chắc của cách mạng Việt Nam trong lòng địch. Trong cuộc đấu tranh gian khổ đó, nhiều người trong số họ đã bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò.
Học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội từng bị bắt giam trong Sở Mật thám, năm 1949
Không ít những tấm gương học sinh, sinh viên đã hi sinh anh dũng cho lý tưởng cách mạng. Liệt sỹ Nguyễn Sỹ Vân, học sinh kháng chiến Trường Chu Văn An, là người bơi ra Tháp Rùa, Hồ Gươm cắm cờ đỏ sao vàng nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1948). Sau đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hoả Lò một thời gian và đày lên Nhà tù Tiên Yên, Quảng Ninh. Tại đây đồng chí đã bị kẻ thù giết hại.
Đồng chí Phạm Hướng (thứ hai, từ phải sang) và những người thân trong gia đình, năm 1949
Liệt sỹ Phạm Hướng, “người anh cả” của phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm 1948 - 1950. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, học sinh, sinh viên Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động như: rải truyền đơn; gài cờ đỏ sao vàng, lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Hành chính vào nhà dân; phối hợp đội hành động treo cờ đỏ búa liềm tại Tháp Rùa; chống bắt lính... Cuối năm 1949, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, tra tấn, đánh đập liên tục trong nửa tháng tại Sở Mật thám rồi chuyển về giam tại trại P của Nhà tù Hỏa Lò trước khi đày đi Côn Đảo. Với quyết tâm trở về phục vụ cách mạng, đồng chí Phạm Hướng vượt ngục Côn Đảo nhưng không thành công. Xương thịt người chiến sĩ cách mạng trung kiên Phạm Hướng đã hòa vào với biển cả quê hương...
Nhiều học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội đã từng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hoả Lò như đồng chí Lê Tám, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm, Trần Khắc Cần, Đỗ Quang Trung, Đỗ Hồng Phấn, Đoàn Thị Hồng Vân… Trong chốn ngục tù, họ trở thành một lực lượng nòng cốt trong các cuộc đấu tranh “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” để khẳng định niềm tin bất diệt vào lý tưởng đã chọn: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng sẽ thành công.
Học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hoả Lò
thăm lại Di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò, tháng 10/2000
Thoát khỏi nhà tù Hoả Lò, họ lại tiếp tục tham gia vào các hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Những thế hệ học sinh, sinh viên bị thực dân Pháp bắt giam trong Nhà tù Hỏa Lò người đã khuất, người ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng họ vẫn tích cực tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ trong sự nhiệp xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.
Bà Đỗ Hồng Phấn (bên trái) học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội
tham gia giao lưu tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, tháng 10/2008
Bác Dương Tự Minh (bên trái), học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội tham gia giao lưu
tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, tháng 8/2017
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền Thông