Chỉ vài tháng sau cái ngày oanh liệt thì tinh thần ở Yên Bái lại được noi theo một cách rộng rãi hơn ở Tiền Hải, ở Nghệ Tĩnh, ở Quảng Nam Quảng Ngãi và ở nhiều tỉnh Nam Bộ. Những cuộc tranh đấu vừa dẻo dai, vừa anh dũng, vừa rộng lớn trong những năm 1930, 1931 đã chứng minh dân tộc Việt Nam quyết không phụ các đấng tiên liệt đã chết vì Tổ quốc ở Yên Bái…
Sau một thời gian bị giam trong ngục thất Yên Bái, thực dân Pháp đã mở phiên tòa xét xử vụ bạo động Yên Bái vào 2 ngày 27, 28/3/1930 với 15 người bị kết án và 87 bị can: tổng cộng là 102 tù nhân. Theo Báo “Hậu duệ Bắc Kỳ” thứ năm, ngày 27/3/1930 đưa tin về buổi họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban hình sự Yên Bái: Các người có tên sau: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tử Toàn, Nguyễn Văn Can, Nguyễn Nhật Thân hay còn gọi là Kỳ Thân, chịu trách nhiệm đủ:
1. Ở Bắc Kỳ trong những năm 1929 và 1930 trong thời gian không quy định, một bộ phận của hội có tên “Việt Nam Quốc dân Đảng” mà mục đích là phá hủy hoặc thay đổi Chính phủ Đông Dương và kích động quần chúng chống lại chính quyền;
2. Trong cùng hoàn cảnh thời gian và địa điểm, tiếp tay cho các tội phạm giết người ở các điểm khác nhau của Bắc Kỳ và đặc biệt ở Yên Bái, trong đêm ngày 9 đến 10/2/1930, các viên chức Pháp, hạ sĩ quan, lính biệt kích, người biệt xứ gây ra các vụ giết người nói trên bằng âm mưu và hướng dẫn thực hiện;
Tội ác được quy định và phạt theo điều 87, 89, 296, 59, 60 và 302 của Bộ luật Hình sự sửa đổi…
Cũng theo Báo này, trong buổi họp toàn thể thứ hai của Ủy ban hình sự Yên Bái vào thứ sáu, ngày 28/3/1930 ghi lại: Phó Đức Chính là một người điềm tĩnh hơn lãnh đạo của ông ta rất nhiều. Ông ta trình bày đúng đắn trước vành móng ngựa, ông ta trả lời lưu loát. Ở chỗ chúng tôi, ông ta nói, không có lãnh đạo: chúng tôi bình đẳng với nhau. Tôi nhận trách nhiệm về cuộc tấn công ở Yên Bái.
Báo Hậu duệ Bắc Kỳ, đưa tin về phiên tòa xét xử các chiến sĩ
tham gia Khởi nghĩa Yên Bái
Sáng ngày, 28/3/1930, ông Guillemets, Chủ tịch Ủy ban Tội phạm đã tuyên án tử hình đối với 39 bị can, 33 tù chung thân lao động khổ sai, 9 bị can bị tuyên phạt 20 năm lao động khổ sai, 5 trường hợp bị trục xuất, 1 trường hợp 5 năm lao động khổ sai, tất cả các bị can đều tuyên bố khiếu nại lên Hội đồng bảo hộ, ngoại trừ Phó Đức Chính.
Sau khi bị kết án, Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ yêu nước Việt Nam Quốc dân Đảng bị chuyển về Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội giam giữ chờ ngày thi hành án. Trên đường trở về Hỏa Lò, anh em lại hát vang bài ca cách mạng dựa theo nhạc bài La Marseillaise do ông Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu), người chỉ huy đánh đồn Hưng Hóa và phủ Lâm Thao trong Khởi nghĩa Yên Bái soạn nội dung.
Nhà tù Hỏa Lò, nơi thực dân Pháp giam giữ các yếu nhân tham gia Khởi nghĩa Yên Bái
Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, lúc mà công việc xâm chiếm Hà Nội và Bắc Kỳ đã căn bản hoàn thành. Đây là nơi thực dân Pháp sử dụng để tập trung và luân chuyển các loại tù chính trị, thường phạm đi các địa phương và từ các địa phương về Hà Nội. Với diện tích 12.908m2, gồm nhà tù và các đường lân cận, xung quanh có tường bao xây bằng đá hộc chắc chắn, trên đỉnh tường có gắn mảnh thủy tinh và hệ thống điện cao thế. Hệ thống trại giam, xà lim kiên cố, sự canh phòng nghiêm ngặt, đặc biệt là khu xà lim án chém - nơi giam tù nhân có án tử hình chờ hành quyết. Cùng với chế độ giam cầm hà khắc, thực dân Pháp muốn giết dần giết mòn tù nhân, tiêu diệt ý chí đấu tranh cô lập những người yêu nước với phong trào cách mạng bên ngoài.
Mặc dù bị biệt giam trong khu vực xà lim án chém những Phó Đức Chính và các chiến sỹ tham gia Khởi nghĩa Yên Bái đã tích cực tham gia đấu tranh, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt đọa đày bằng hình thức hò la với khẩu hiệu: “Thi hành chế độ chính trị phạm!”,“Phản đối cá mắm thối, thịt trâu già!”,“Phản đối đánh đập!” “Phải được ra chơi giải trí ngoài sân”. Nhiều lần, chính quyền thực dân đã cho lính đến đàn áp, chúng dùng vòi rồng phun nước vào các trại giam khiến cho tù nhân vừa bị thương, vừa rét. Thời gian này, phần lớn các cuộc đấu tranh mang tính tự phát nhưng cũng khiến bộ máy cai quản nhà tù lúng túng, hốt hoảng.
Công văn mật về việc chuyển 13 chiến sỹ tham gia Khởi nghĩa Yên Bái
từ Đề lao Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò) lên Yên Bái thi hành án, ngày 16/6/1930
Ngày 16/6/1930, các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng được tách ra khỏi Đề lao Trung ương Hà Nội đưa lên Yên Bái thi hành án chém. Trước khi đi, những người chiến sỹ đã chào từ biệt anh em tù nhân ở lại: “Vĩnh biệt các anh, chúc các anh ở lại mạnh khỏe để báo thù cho Tổ quốc, cho Đảng... và cho chúng tôi! Anh em ở lại bình yên, tiếp tục sự nghiệp của mình!”. Được tin này, anh em tù chính trị phối hợp với tù nhân Quốc dân Đảng và tù thường ở Nhà tù Hỏa Lò phát động cuộc đấu tranh tuyệt thực phản đối việc hành quyết các chiến sỹ yêu nước tham gia Khởi nghĩa Yên Bái với khẩu hiệu: Phản đối án tử hình 13 chiến sỹ Yên Bái!, Phản đối khủng bố trắng! Phản đối phạt cùm! Thực hiện chế độ tù chính trị!. Tiếng hò la vang dội sang các trại làm cho kẻ địch vô cùng hoảng sợ, lúng túng, chúng đánh đập và hăm dọa anh, chị em. Cuộc đấu tranh nổ ra đến ngày thứ năm thì kẻ địch phải nhượng bộ, tháo cùm cho tù nhân.
Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên có sự tham gia của tù nhân Quốc dân đảng, khơi dậy chí căm thù, tình đoàn kết trong tù nhân tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau cuộc đấu tranh này, thực dân Pháp bí mật đưa 200 tù chính trị ở Hoả Lò đày ra Nhà tù Côn Đảo.
Thực dân Pháp kiểm tra hiện trường xử chém ông Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học
và các chiến sỹ tham gia Khởi nghĩa Yên Bái, ngày 17/6/1930
5h30 sáng ngày 17/6/1930, lần lượt 13 chiến sỹ bị thực dân Pháp đưa lên máy chém. Phó Đức Chính là người thứ 12 lên bàn chém, ông đòi nằm ngửa để được nhìn lưỡi máy chém đã tàn sát biết bao người. Phó Đức Chính đã hy sinh anh dũng khi mới 23 tuổi cùng các chiến sỹ tham gia Khởi nghĩa Yên Bái. Họ là những tấm gương cổ vũ tinh thần cho các thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do.
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền thông