Tin tức– Sự kiện
11/01/2018 17:08 11/01/2018 17:08 1198
Họ đã yêu Việt Nam như thế!
Những câu chuyện về Hà Nội đau thương và kiên cường đã in đậm trong tâm trí những người từng đi qua chiến tranh, để rồi sau 45 năm, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, một trưng bày với tựa đề “Tìm lại ký ức” đã giúp những người Hà Nội hồi tưởng về những năm tháng bom đạn Mỹ dội xuống Thủ đô yêu dấu… Tham dự khai mạc trưng bày còn có những vị khách đến từ nửa bên kia bán cầu. Họ đã rơi nước mắt khi nhớ về khoảng thời gian mà chính họ hay người thân của họ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. 
Từ tháng 8/1964 đến tháng 3/1973, một phần của Nhà tù Hỏa Lò được dùng để tạm giam phi công Mỹ, trong đó có nhiều phi công bị bắt trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Bên trong bức tường đá “Hilton - Hà Nội” là cuộc sống thường ngày của phi công Mỹ: bình yên và ấm áp tình người. Cũng chính từ đây, họ đã ngộ ra nhiều bài học về tự do, hòa bình, thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam. 
 
 
Những phi công Mỹ trong trại giam (Trung tá Walter Eugene Wilber thứ nhất, bên phải)
 
Thomas Eugene Willber, con trai của cựu Đại tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber sống ở Bang Pennsylvanvia, từng nhiều lần trở lại Việt Nam chỉ với mục đích: Tìm lại những ân nhân của cha mình trên dải đất hình chữ S qua những kỷ vật và những câu chuyện của cha khi trở về sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Thomas cho biết, ông đã đến Việt Nam 14 lần và lần nào cũng mang lại cho Thomas những điều bất ngờ, thú vị: Gặp được ân nhân cứu sống cha, gặp được người đã chụp những bức ảnh của cha, nhìn thấy hình ảnh cha mình đang trưng bày tại Hỏa Lò... Câu chuyện về thời gian tham chiến tại Việt Nam của cha Thomas đã dần hiện ra trong ông từ những “mảnh ghép” đó.
Ngày 16/6/1968, chiếc máy bay F- 4J Phantom II (còn có biệt danh là “Con ma”) do Walter Eugene Wilber điều khiển nhận lệnh xuất kích từ tàu sân bay trên biển Thái Bình Dương, đi ném bom miền Bắc - Việt Nam theo mục tiêu đã được định trước. Máy bay bị quân và dân Đô Lương - Nghệ An bắn rơi, người bạn đồng hành Bernard Fracis Rupinsk đã tử vong, còn Walter được 3 thanh niên ở Thanh Chương cứu sống. Walter được di chuyển ra Hà Nội, được cứu chữa vết thương, sau đó đưa về trại giam phi công Mỹ. 
 
 
Thomas cùng ông Bùi Bác Văn trên cánh đồng Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An
 
Gần 5 năm sống trong các trại tạm giam, trong đó có Hỏa Lò, Walter đã nhận được sự đối xử nhân đạo từ những cán bộ công tác tại đây. Khi được nhà báo phỏng vấn, ông trả lời: “…Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó…”. Walter còn viết khá nhiều thư gửi về cho vợ và các con, kể về cuộc sống và sức khỏe của mình.
Ngày 12/02/1973, Trung tá Walter Eugene Wilber được trao trả về nước đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, những câu chuyện về cuộc sống của phi công Mỹ trong các trại tạm giam ở Hà Nội do Walter kể lại đã tạo ra những luồng ý kiến phản đối. Đa phần phi công Mỹ từng bị bắt đều cho rằng họ bị “đối xử tồi tệ” khi sống trong các trại giam.
Với những tình cảm yêu thương dành cho cha, Thomas Eugene Wilber, con trai thứ 2 của Walter đã nhiều lần sang Việt Nam, thực hiện ước nguyện của cha: Tìm gặp những người đã cứu sống cha và chứng minh những điều cha nói là sự thật. “Cuộc hành trình tri ân” của Thomas  bắt đầu từ cuối năm 2014.
Lần đầu tiên sang Việt Nam, Thomas đã tìm ngay đến Bảo tàng Quân khu IV ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với một ít thông tin được cha kể lại và thông qua hồ sơ của Chính phủ Hoa Kỳ mà ông đã tìm kiếm. Thomas chỉ biết rằng: máy bay do cha điều khiển bị bắn cháy trên bầu trời Đô Lương, ông đã phải nhảy dù xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Ngoài ra, Thomas không có bất cứ một thông tin nào khác.
Điều may mắn đầu tiên đến với Thomas khi gặp được Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV, nhận sự giúp đỡ nhiệt tình từ những cán bộ ở đây. Qua tư liệu lưu trữ của bảo tàng, Thomas có thêm những dữ liệu quý: Đúng ngày 16/6/1968, tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có một máy bay F- 4J Phantom II mang số hiệu 155548 bị bắn cháy. Đó chính là kết quả trong chuyến đi đầu tiên của Thomas.
 
 
Đại tá Nguyễn Công Thành, Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV 
tiếp nhận hiện vật do Thomas trao tặng
(còn tiếp)
 
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục & Truyền thông

Chia sẻ: