Tin tức– Sự kiện
16/01/2018 16:14 16/01/2018 16:14 1274
Thông cáo báo chí Trưng bày chuyên đề: “Sáng mãi niềm tin”
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908 - 02/02/2018), 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2018), được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Chương trình giao lưu và khai mạc trưng bày chuyên đề: “Sáng mãi niềm tin” vào 9h00 ngày 18/01/2017 (Thứ Năm).
 
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ. Các phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách và sáng ngời tinh thần yêu nước, nhưng tất cả đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn. Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập, là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc. 
Trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ, cách mạng đã đi đến bến bờ thắng lợi, Nhà nước Việt Nam độc lập đã ra đời. Để có được thành quả vĩ đại đó, nhân dân ta đã phải đổ bao xương máu, gánh chịu biết bao hy sinh. Nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng như: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ... bị bắt, giam trong các nhà tù như: Hỏa Lò, Côn Đảo, Sơn La, Phú Quốc… Dù bị đọa đày nơi ngục tù tăm tối, dù phải hy sinh tính mệnh, những người chiến sỹ ấy vẫn hiên ngang:
“Chỉ còn đây một giây sống nữa thôi
Mà mắt đó vẫn trông đời bình thản”.
                                         (Quyết hy sinh, Tố Hữu)
Chính niềm tin đã tạo nên nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp người chiến sỹ vượt lên những trận đòn tra tấn tàn khốc của kẻ địch, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng. Dù thể xác mất đi nhưng niềm tin vẫn sáng mãi, giúp truyền thêm ý chí, động lực để các đồng chí ở lại: “sẽ điệp trùng xông lên”.
Phần mở đầu của trưng bày giới thiệu nội dung: Nguyễn Đức Cảnh - Dấu ấn nhà cách mạng. Sống hòa mình, cùng lao động với công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, đồng chí đã từng bước gây dựng phong trào cách mạng từ Hải Phòng lan tới vùng mỏ Quảng Ninh của Tổ quốc. 
Ra đi ở tuổi 24 tràn đầy nhiệt huyết, người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929); Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929); Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) (7/1929).
 
Phần trưng bày “Nguyễn Đức Cảnh - Dấu ấn nhà cách mạng”
 
Những ngày cuối cùng tại xà lim án chém, Nhà tù Hỏa Lò, người tử tù có bí danh Bé Con ấy vẫn nỗ lực hết mình, viết nên tác phẩm:“Công nhân vận động” để báo cáo với Đảng về tình hình công nhân và những kinh nghiệm vận động, chỉ đạo đấu tranh. Trước khi bị thực dân Pháp hành hình, đồng chí đã gửi tình cảm qua những lời thơ vĩnh biệt người mẹ kính yêu
“...Ngổn ngang trăm mối tơ lòng,
Xông pha giông tố chi mong độ về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây!
Tạ từ vĩnh quyết từ đây,
Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn!”.
Trong nội dung thứ hai: Tiến bước dưới cờ Đảng, giới thiệu bốn đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Các đồng chí đã kế tiếp nhau tham gia chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua phong ba. Những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã anh dũng hy sinh khi chưa kịp chứng kiến thắng lợi của cách mạng theo con đường các đồng chí vạch ra. Nhưng, chính niềm tin các đồng chí dày công xây đắp đã thôi thúc quần chúng yêu nước biến thành hành động trong cao trào đấu tranh giành chính quyền những năm 1939 - 1945.
Đồng chí Trần Phú, người trực tiếp soạn thảo Luận cương chính trị và trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930). Đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền móng tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng. 
Tháng 4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam tại bốt Pôlô, bót Catina, Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 06/9/1931, chế độ tù đày khắc nghiệt đã cướp đi sinh mệnh của đồng chí khi 27 tuổi. Trước lúc hy sinh, đồng chí nhắn các bạn tù ở lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Trong sự tiếc thương khôn cùng, những người bạn tù Khám Lớn đã viết lên những dòng thơ tưởng nhớ đồng chí:
“Trần Phú anh ơi đã thác rồi
Vô tình chi lắm hỡi anh ơi!
Bao phen sóng gió không sờn dạ
Mấy trận búa rìu chẳng hở môi...”.
 
Phần trưng bày Tổng Bí thư Trần Phú
 
Đồng chí Lê Hồng Phong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Với vai trò là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (3/1934), đồng chí đã tham gia củng cố hệ thống tổ chức đảng và khôi phục phong trào cách mạng sau khi địch khủng bố trắng. Trên cương vị Tổng Bí thư (3/1935 - 7/1936), đồng chí đã góp phần quyết định thành lập Mặt trận thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương, đặt tiền đề cho cao trào đấu tranh dân chủ diễn ra trong cả nước thời gian sau đó. 
Ngày 06/9/1942, trước khi trút hơi thở cuối cùng tại Nhà tù Côn Đảo, đồng chí còn gửi lại niềm tin son sắt: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
 
Phần trưng bày Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
 
Đồng chí Hà Huy Tập giữ trọng trách Tổng Bí thư từ tháng 7/1936 - 3/1938. Trong thời gian giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đã chuyển trụ sở của Đảng từ nước ngoài về xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định và phát triển chính sách Mặt trận thống nhất, nhằm từng bước xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, giữ vai trò quyết định trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền. 
Đồng chí bị thực dân Pháp bắt hai lần, giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Trước tòa án địch, đồng chí khảng khái: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp thi hành án tử hình đồng chí Hà Huy Tập tại Hóc Môn, Gia Định. Đồng chí hy sinh anh dũng ở tuổi 35 với lời nhắn gửi: “Hãy xem tôi như người còn sống” thể hiện niềm tin mãnh liệt, khát vọng chiến đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, người có nhiều công lao trong việc xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, phát triển phong trào cách mạng ở vùng mỏ Quảng Ninh. Đồng chí được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi, là một trong những Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta. Đồng chí luôn là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn, đấu tranh phê bình và tự phê bình, nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện qua tác phẩm: "Tự chỉ trích". Bị địch bắt, giam ở các nhà tù: Hải Phòng, Hỏa Lò, Côn Đảo, đồng chí vẫn không ngừng học tập lý luận chính trị một cách kiên trì. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp thi hành án tử hình đồng chí tại trường bắn Hóc Môn (Gia Định).
 
Phần trưng bày Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
 
Nơi niềm tin tỏa sáng là nội dung cuối của trưng bày thể hiện sự tri ân công lao của những chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Từ Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước đến nơi đại ngàn hay biển đảo xa xôi, nhiều di tích là các nhà tù, nhà đày được bảo tồn, trở thành nơi nuôi dưỡng niềm tin, lòng yêu nước, nghị lực sống cho nhiều thế hệ người Việt Nam. 
Hiện nay, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã và đang phát huy ngọn lửa truyền thống yêu nước, cách mạng đến thế hệ trẻ. Sự cống hiến, hy sinh của các chiến sỹ ở Nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc năm xưa, nay đã trở thành động lực của những người lính biển đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là: “máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Thế hệ sau luôn khắc ghi công ơn, sự hy sinh của của những chiến sỹ cách mạng, để hun đúc niềm tin, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
Phần trưng bày “Nơi niềm tin tỏa sáng”
 
Với mong muốn tri ân sự cống hiến, hy sinh của những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, sau thời gian dài nghiên cứu, lần đầu tiên tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, những hình ảnh, tài liệu về 05 đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ được lựa chọn để giới thiệu. Họ chính là hình ảnh đại diện cho lớp người tiên phong, đặt nền móng cho sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trưng bày còn giới thiệu tới công chúng một số tác phẩm tiêu biểu của các đồng chí như: “Luận cương chính trị” (Trần Phú), “Tự chỉ trích” (Nguyễn Văn Cừ)...; báo: “Búa liềm”, “Lao động” và một số truyền đơn, tài liệu của Đảng.
Bên cạnh phần nội dung được biên tập công phu, phần mỹ thuật của trưng bày cũng mang tới những giải pháp mới trong thiết kế đồ họa. Với hai tông màu chủ đạo: Màu xanh rêu, gợi cảm giác nhuốm màu của thời gian, gợi cảm giác xưa cũ. Đây cũng là một gam màu thể hiện tư tưởng chủ đạo khẳng định niềm tin của các đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng về lý tưởng cách mạng. Màu xanh rêu cũng thể hiện ý đồ muốn tạo ấn tượng về “sức nặng” của ý chí, về niềm tin mạnh mẽ với Đảng không lay chuyển. Gam màu đỏ, tượng trưng cho lá cờ Tổ quốc, cho máu của những người con của dân tộc đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của đất nước. Đồng thời, còn thể hiện tư tưởng tự cường, sự bất khuất của dân tộc Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Tổ hợp trưng bày tái hiện hình ảnh những tù nhân bị giam nơi xà lim lạnh lẽo, chế độ sinh hoạt đọa đày vẫn động viên, truyền cho nhau niềm tin mãnh liệt: “Thân ta nát vì đòn roi của địch/Trí ta bền có Đảng vinh quang”.
Điểm nhấn trong chương trình khai mạc, đại biểu được trực tiếp tham gia giao lưu với nhân chứng lịch sử là những đảng viên tiêu biểu, từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc gồm: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Trưởng ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; Bà Nguyễn Thị Hồng - cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Đại biểu Quốc hội khóa II, III và Ông Lâm Văn Bảng - Cựu tù Phú Quốc, Ủy viên Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội, Giám đốc Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày. 
Những chia sẻ của 03 nhân chứng sẽ giúp khách mời tham gia chương trình hiểu thêm về những động lực, niềm tin đã giúp họ vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống tù đày, giữ trọn tấm lòng với Đảng, với cách mạng.
Chương trình còn là dịp để các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, thân nhân của các đồng chí Tổng Bí thư và đại biểu ôn lại quá khứ, thêm trân trọng những thành quả cách mạng và lý tưởng cao đẹp cho niềm tin không bao giờ tắt như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng viết:
“Ta bỗng thấy tắm mình trong ánh sáng
Đảng nâng ta lên tầm cao của Đảng
Cho ta nhìn thấu suốt bốn nghìn năm
Từ quê mình nhìn muôn dặm xa xăm
Cho ta nghe tiếng đất trời sông núi
Tiếng sự sống như thác ghềnh dữ dội”.
Trưng bày chuyên đề “Sáng mãi niềm tin” là lời khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng sẽ thành công. Những đóng góp, hy sinh của các đồng chí đã tạo nên những mùa xuân hạnh phúc cho dân tộc. Ngày hôm nay, những mùa xuân đó vẫn nở hoa giúp bồi đắp hơn nữa niềm tin, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trách nhiệm thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. 
 
                                                            BAN QUẢN LÝ DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ

Chia sẻ: