Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ngày 21/01/2018, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đã tổ chức chương trình “Về nguồn”, đi thăm các di tích ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hải Phòng, là những nơi liên quan tới cuộc đời hoạt động của Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Đây là dịp để những giảng viên đang công tác tại trường có cơ hội tìm hiểu thêm về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Thái Bình.
Trường Chính trị tỉnh Thái Bình tiền thân là trường Đảng tại chức tỉnh Thái Bình, được thành lập từ năm 1957, trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường Chính trị tỉnh Thái Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt năm 2004, Trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Điểm đến trong chuyến “Về nguồn” của Trường Chính trị Thái Bình là những địa chỉ đỏ, đặc biệt là những nơi mang dấu ấn nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh - Vị lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là người con thân yêu của miền biển Diêm Điền, nơi quê lúa Thái Bình.
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn khi tới Thủ đô. Toàn thể cán bộ, giáo viên của Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đã tham dự lễ dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sỹ. Đoàn dành nhiều thời gian tham quan di tích, đặc biệt các thành viên trong đoàn rất quan tâm tới những nội dung trưng bày liên quan tới Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.
Ngày 18/01 vừa qua, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc trưng bày chuyên đề “Sáng mãi niềm tin” giới thiệu nhiều tư liệu quý về các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Đồng chí Nguyễn Viết Hiển - Bí thư Chi bộ, Giám đốc nhà trường
dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ
Phút mặc niệm lắng đọng tại Đài Tưởng niệm
Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong quá trình hình thành và phát triển của Đảng: Đồng chí đã góp sức cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3/1929); là thành viên của Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929); là Hội trưởng Lâm thời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tháng 7/1929). Đồng chí cùng từng bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình, giam tại xà lim tử hình - Nhà tù Hỏa Lò.
Những ngày cuối cùng tại xà lim, người tử tù có bí danh Bé Con ấy vẫn nỗ lực hết mình, viết nên tác phẩm Công nhân vận động để báo cáo với Đảng về tình hình công nhân và những kinh nghiệm vận động, chỉ đạo đấu tranh. Trước ngày bị thực dân Pháp hành hình, đồng chí đã gửi tình cảm của mình qua bài thơ Tạ từ ngôn để vĩnh biệt người mẹ kính yêu. Ra đi ở tuổi 24 tràn đầy nhiệt huyết, đồng chí đã để lại bao niềm tiếc thương cho những người ở lại, song đó cũng chính là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình: Người con ưu tú ấy đã hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng.
Đoàn tham quan nội dung trưng bày về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Thuyết minh viên giới thiệu tới đoàn
nội dung trưng bày chuyên đề “Sáng mãi niềm tin”
Đồng chí Nguyễn Viết Hiển thay mặt đoàn
ghi cảm tưởng sau chuyến tham quan
Chuyến tham quan Hỏa Lò, đặc biệt là nội dung chuyên đề “Sáng mãi niềm tin” đã để lại sự xúc động cho những thành viên trong đoàn. Những tư liệu được giới thiệu tại đây rất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử Đảng.
Thay mặt Ban lãnh đạo nhà trường, đồng chí Nguyễn Viết Hiển cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đồng thời bày tỏ mong muốn được quay trở lại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò trong thời gian gần nhất để nghiên cứu về lịch sử đấu tranh cách mạng, về Nhà tù Hỏa Lò, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giảng viên nhà trường.
Hoàng Cao Tiến - Phòng Giáo dục Truyền thông
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn