Tin tức– Sự kiện
24/01/2018 17:27 24/01/2018 17:27 1413
Nguyện sống “Tốt đời, đẹp đạo”
Ngày 14/01/2018, một nhóm học viên là những ni sinh đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam đã tới thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Qua những câu chuyện của họ, chúng tôi được biết họ tới đây để tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và đặc biệt là tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của một vị Hòa thượng mà họ vô cùng kính phục: Hòa thượng Thích Thanh Tứ - nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Học viện Phật giáo Việt Nam và cũng từng là một chiến sỹ cách mạng bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò.
 
 
Hòa thượng Thích Thanh Tứ
 
Theo sử sách ghi lại, Đạo Phật được truyền tới Việt Nam năm 198. Trải qua gần 2000 năm hình thành và phát triển, với bản chất “Từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, yêu hòa bình, tôn trọng sự sống”, Đạo Phật đã gắn bó và đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử.
Trong kháng chiến chống Pháp, Phật giáo Việt Nam đã thành lập các tổ chức như: “Tăng già cứu quốc”, “Đoàn Phật giáo cứu quốc”, “Bộ đội Tăng già”, “Hội Phật giáo cứu quốc” đã quy tụ và vận động các tăng ni phật tử tham gia các mạng, ủng hộ kháng chiến. Đại đa số các ngôi chùa ở miền Bắc đã trở thành cơ sở cách mạng, dự trữ quân lương, nuôi dấu cán bộ. Nhiều Tăng ni phật tử đã tạm “cởi áo cà sa” hăng hái lên đường cứu nước. 
Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn khắc ghi hình ảnh những vị tăng ni, phật tử đã nguyện hy sinh thân mình cho độc lập dân tộc. Họ hy sinh khi cầm súng chiến đấu nơi chiến trường, họ tự thiêu để phản đối sự đàn áp của chính quyền thực dân, đế quốc… và một phần trong số họ cũng đã từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù.
Trong tâm thức của những chiến sỹ cách mạng từng bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, giai đoạn 1946 - 1954 vẫn không hề phai nhạt hình ảnh người đồng chí, đồng đội, nhà sư Trần Văn Long (sau này là Hòa thượng Thích Thanh Tứ).
 
 
Chùa Nho Lâm, Hưng Yên, nơi Hoà thượng Thích Thanh Tứ xuất gia từ năm 6 tuổi 
do sư tổ trụ trì nuôi dưỡng và cũng là quê hương của Hoà thượng
 
Thấm nhuần truyền thống “hộ quốc an dân” (nhà sư ngoài bổn phận của một tu sĩ phật giáo, còn là người đem trí tuệ giác ngộ, lòng từ bi vô bờ thực hiện bổn phận một người con của đất nước, góp tay bảo vệ và xây dựng đất nước, tạo nền tảng tinh thần cho sự an vui của người dân), nhà sư Trần văn Long đã sớm tham gia hoạt động, ủng hộ các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Trong những năm trước Cách mạng tháng Tám, Trần Văn Long đã hóa thân lúc làm tu sĩ, lúc làm dân thường, lúc là người chiến sĩ cách mạng với bầu nhiệt huyết “ưu đời mẫn thế” (Lo lắng việc đời mà thương xót thế gian).
Khi đất nước bước vào những năm kháng chiến chống Pháp, nhà sư Trần Văn Long lại tiếp tục tham gia các phong trào yêu nước của Tăng ni, Phật tử tỉnh Hưng Yên. Từ tháng 01/1950 đến tháng 9/1951, nhà sư đã trực tiếp tham gia lực lượng vũ trang bí mật tỉnh Hưng Yên, làm công tác dân vận, hướng dẫn Tăng ni, Phật tử tham gia các phong trào lao động sản xuất ủng hộ kháng chiến, bảo vệ thành quả cách mạng. Vì có những hoạt động như vậy nên nhà sư Trần Văn Long đã bị thực dân Pháp đưa tên vào danh sách những người bị “đặc biệt quan tâm”.
 
 
Bia căm thù bốt La Tiến, Phủ Cừ, Hưng Yên - nơi thực dân Pháp từng giam giữ 
và giết hại hàng ngàn đồng bào yêu nước, chiến sỹ cách mạng
 
Từ tháng 10/1951 đến tháng 4/1953, nhà sư Trần Văn Long đã bị thực dân Pháp bắt giam tại bốt La Tiến ở Phù Cừ; Lực Điền ở thị xã Hưng Yên; nhà thờ Kẻ Sặt, nhà tù tỉnh Hải Dương sau đó chuyển lên Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, nhà sư Trần Văn Long đã được tham dự các lớp học văn hóa do các anh em có trình độ cao hơn tổ chức giảng dạy. Những viên gạch non, than củi đã được sử dụng như phấn viết xuống nền trại giam, từng con chữ đã được ngấm sâu vào nhà sư cách mạng như thế. Việc học tập tuy vô cùng gian nan, vất vả nhưng nhà sư vẫn “kiên tâm, bền chí” theo học. Tiếp sau đó, Trần Văn Long bị chuyển xuống Trại  an trí Thanh Liệt, đây thực chất là nơi giam giữ tù nhân vô thời hạn.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, nhà sư Trần Văn Long lại trở về với phận sự của một vị tu hành, trở thành Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa. Đặc biệt, Hòa thượng Thích Thanh Tứ còn là Viện trưởng đầu tiên của Học viện Phật giáo Việt Nam.
 
 
Hòa thượng, Viện trưởng đi kiểm tra và chỉ đạo công trình xây dựng
 tại Học viện Phật giáo Việt Nam
 
Việc đào tạo những Tăng ni có đủ tài đức là một trong những Phật sự được Hòa thượng Thích Thanh Tứ dành sự quan tâm đặc biệt. 30 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội luôn gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của Hòa thượng. Ngài đã dành nhiều tâm lực và trí tuệ với một mong muốn “Phật giáo miền Bắc phải có một tuyển Phật trường xứng tầm với lịch sử Phật giáo Việt Nam”.  
Những học viên được đào tạo tại Học viện Phật giáo Việt Nam luôn lấy tấm gương của vị Hòa thượng, Viện trưởng để học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn về thế học, Phật học, phục vụ công tác Phật sự cho Giáo hội và xã hội. Từng được nghe những câu chuyện về vị Hòa thượng đáng kính, nhiều học viên của Học viện đã tìm về Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò để hiểu thêm về một phần cuộc đời của Hòa thượng Thích Thanh Tứ: “Một tâm thế thiền định trong vẻ đẹp thuần phác của một nhà tu hành tốt đời, đẹp đạo” là đánh giá của nhiều thế hệ học viên của Học viện về vị Viện trưởng của mình. 
 
 
Cùng ghi lại những dòng cảm xúc
 
Hòa thượng Thích Thanh Tứ cũng như nhiều nhà sư Việt Nam khác: khi Tổ quốc có giặc ngoại xâm đã sẵn sàng cầm súng đánh giặc, làm tròn trách nhiệm của một người dân yêu nước. Và những học trò của Hòa thượng hôm nay luôn “Đời đời nhớ ơn cha anh đã nằm xuống cho độc lập hôm nay. Xin ghi lòng tạc dạ” (Lưu bút tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò của nhóm ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam).
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục, Truyền thông

Chia sẻ: