Tin tức– Sự kiện
24/03/2018 16:27 24/03/2018 16:27 2115
Chuyện về một người Hà Nội (Phần 2)
Năm 1930, mặc dù bị địch khủng bố mạnh nhưng dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ và sự hoạt động tích cực của những đảng viên Cộng sản, tổ chức Đảng ở Hà Nội vẫn tiếp tục được mở rộng, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Vũ.
Các cơ sở Đảng được thành lập ở: Ga Hàng Cỏ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Sở Xe điện, Nhà máy Điện, Nước, Bia, Nước đá, Xưởng sửa chữa ô tô Avia, Hãng ô tô Stai, một số nhà in: Trung Bắc, Lê Cường, Taupin... Tháng 5/1930, ở làng Đông Phù (Thanh Trì), chi bộ cộng sản được thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ trực tiếp chỉ đạo. Các tổ chức quần chúng: công nhân, nông dân, thanh niên được xây dựng và phát triển ngày càng rộng khắp.
 
 
Tàu hỏa đỗ trong Ga Hàng Cỏ, Hà Nội
 
Cũng trong năm 1930, dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Hà Nội đã diễn ra sôi nổi: Ngày 24/4/1930, chị em tiểu thương chợ Đồng Xuân đấu tranh đòi giảm thuế, chống dồn chỗ ngồi, chống đàn áp; tháng 4/1930, công nhân bán vé xe điện đình công đòi chủ không được đánh đập, cúp phạt. Nhân ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930, truyền đơn được rải trên các đường phố với khẩu hiệu: tăng tiền lương, giảm giờ làm, bỏ đánh đập, giảm sưu, hoãn thuế cho nông dân...
 
 
Truyền đơn in nội dung khẩu hiệu đấu tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam
nhân kỷ niệm ngày 01/5/1930
 
Tháng 10/1930, Thành uỷ tổ chức tuyên truyền xung phong ủng hộ Xô Viết-Nghệ Tĩnh ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến). Cuộc diễn thuyết biến thành cuộc biểu tình công khai, thể hiện lòng yêu nước, theo Đảng làm cách mạng của quần chúng. Lần đầu tiên, nhân dân được thấy tận mắt và vô cùng khâm phục một nữ cộng sản can đảm diễn thuyết giữa ban ngày. Đó là đồng chí Nguyễn Thị Nhâm, cán bộ của tổ Tuyên truyền xung phong của Thành ủy Hà Nội
Đầu tháng 11, Toàn quyền Hà Lan ở Indonesia sang Hà Nội để cùng với Toàn quyền Pháp ở Đông Dương bàn lập liên minh chống phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa ở Đông - Nam châu Á. Chấp hành chỉ thị của Trung ương, Thành uỷ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh phá cuộc đón tiếp này. Hai tổ xung kích của thanh niên đã bố trí đốt hai cổng chào do thực dân Pháp dựng lên ở ngã tư Tràng Thi - Lê Thái Tổ và ga Hàng Cỏ... Sự kiện trên làm sôi động dư luận thành phố, vang cả tới nước Pháp.
 
 
Ngã tư Tràng Thi - Lê Thái Tổ, Hà Nội (thời Pháp)
 
Từ cuối năm 1930 trở đi, thực dân Pháp càng đẩy mạnh khủng bố cách mạng, nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương, Xứ uỷ Bắc kỳ lần lượt bị bắt: Trần Phú, Trần Văn Lan, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến... Ở Hà Nội, Pháp lập toà đại hình, mở rộng nhà tù, dùng bọn phản động chui vào nội bộ Đảng, chống phá Đảng từ bên trong... Đối với Đảng bộ Hà Nội, chỉ trong 6 tháng cuối năm 1930, ba lần đồng chí Trần Văn Lan (tức Giáp) Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách phong trào Hà Nội phải lập lại Thành uỷ. Nhiều đồng chí lãnh đạo Thành uỷ, nhiều đảng viên và quần chúng trung kiên bị bắt: Lê Đình Tuyển, Đặng Xuân Khu, Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ), Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo... Ngày 6/12/1930, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ cũng bị địch bắt.
 
 
Tòa Đại hình Hà Nội
 
Biết đồng chí là Bí thư Thành uỷ, kẻ thù đã tra tấn hết sức dã man. Dưới đòn thù ác hiểm, Nguyễn Ngọc Vũ đã chết đi, sống lại nhiều lần nhưng vẫn một lòng, một dạ giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Ngày 28/9/1931, tại Hà Nội, Hội đồng đề hình của thực dân Pháp đã mở phiên toà xử án 17 chiến sỹ cộng sản trong đó có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Vũ, Đặng Xuân Khu, Trần Tích Chu, Trần Thị Thọ, Ngô Huy Tăng, Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo, Chu Văn Nguyên, Nguyễn Như Tiếp, Nguyễn Đình Hang, Nguyễn Đức Thụy, Lê Đình Thảo, Nguyễn Văn Huynh, Trần Phú Thọ...
Nguyễn Ngọc Vũ bị kết án 20 năm tù khổ sai. Với chế độ nhà tù khắc nghiệt và bị tra tấn hết sức dã man, đầu năm 1932, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ đã hy sinh tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội, lúc vừa tròn 24 tuổi.
 
 
Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội
 
Ngày 17/5/2011, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ưởng Đảng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đã trao Quyết định công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 tới gia đình liệt sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, nguyên Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, thời kỳ 1930. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô với công lao đóng góp và hy sinh của đồng chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước nói chung và sự nghiệp cách mạng của Thủ đô nói riêng
Hiện nay, phần mộ của đồng chí được đưa về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Đồng chí đời đời yên nghỉ trong lòng Thủ đô Hà Nội./.
Nguyễn Khánh Hồng tổng hợp và biên soạn

* Tài liệu tham khảo: Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Hà Nội, Kim Thanh.

Chia sẻ: