Sau khi đánh chiếm miền Nam Việt Nam, Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Để thực hiện âm mưu của mình, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng quân đội rất lớn gồm hàng ngàn máy bay tối tân và nhiều loại vũ khí quân trang, quân dụng hiện đại cùng một lực lượng không quân, hải quân tinh nhuệ.
Ngày 16/6/1968, chiếc máy bay F- 4J Phantom II (còn có biệt danh là “Con ma”) do Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber điều khiển nhận lệnh xuất kích từ tàu sân bay trên biển Thái Bình Dương, đi ném bom miền Bắc - Việt Nam theo mục tiêu đã được định trước. Khi bay đến khu vực Đô Lương - Nghệ An, bị trúng lưới đạn phòng không “Con ma” bốc cháy và rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trung tá Hải quân phi công Walter kịp thời bung dù thoát ra trong khi người bạn đồng hành Bernard Fracis Rupinsk đã tử vong.
Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber
Là một trong 3 người cứu sống phi công Wilber, ông Bùi Bác Văn - lúc đó là chú bé 15 tuổi, theo bố sơ tán về trường cấp 3 Thanh Chương ở gần đó, nhớ lại: “Thấy máy bay rơi, một chiếc dù màu trắng, hồng bật ra. Tôi đang ngồi trước cửa nhà, vơ vội chiếc đòn gánh chạy ra hô “đi bắt giặc lái”. Tôi cắm cổ chạy về phía hướng chiếc dù rơi. Lội qua ruộng, qua một bờ mương thấy viên phi công đang nép trong bụi cây. Lúc này có thêm 2 người nữa chạy đến. Chúng tôi chạy lại gần viên phi công, thấy một tay anh ta cầm bộ đàm, tay kia cầm khẩu súng. Tôi dùng đòn gánh đánh mạnh vào tay cầm bộ đàm rồi ba anh em tước vũ khí ở tay bên kia. Chiếc bộ đàm rơi xuống đất nhưng vẫn phát ra tiếng kêu, tôi lấy cái đòn gánh đập mạnh vào, nó vẫn kêu. Chúng tôi thống nhất là… vùi nó xuống bùn. Sau đó viên phi công được bàn giao cho lực lượng chức năng địa phương”.
Các tù nhân phi công Mỹ nhận thư của gia đình
(Walter Eugene Wilber ngồi giữa)
Gần 5 năm sống trong các trại tạm giam, trong đó có Hỏa Lò, Walter đã nhận được sự đối xử nhân đạo từ những cán bộ công tác tại đây. Ngày 12/02/1973, Trung tá Walter Eugene Wilber được trao trả về nước đoàn tụ cùng gia đình. Với những tình cảm yêu thương dành cho cha, Thomas Eugene Wilber, con trai thứ 2 của Walter đã nhiều lần sang Việt Nam, thực hiện ước nguyện của cha: Tìm gặp những người đã cứu sống cha và chứng minh những điều cha nói về việc đối xử nhân đạo với các tù binh chiến tranh của chính phủ Việt Nam là sự thật. “Cuộc hành trình tri ân” của Thomas bắt đầu từ cuối năm 2014.
Ông Bùi Bác Văn và Thomas Eugene Wilber
(con trai Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber)
chụp ảnh lần gặp mặt
Một ngày tháng 1/2015, cựu chiến binh Bùi Bác Văn (phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, Nghệ An) được tin có khách đến nhà chơi là 3 vị khách lạ, lại cả 1 ông Tây, khiến ông không khỏi phân vân.
Câu chuyện bắt giặc lái Mỹ của gần 50 năm trước ùa về, nhất là sau những câu hỏi mang tính “kiểm tra” của Thomas Eugene Wilber để xác nhận người ngồi trước mình đây là nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của cha mình suốt mấy chục năm qua.
Một cuộc gọi video được Thomas Eugene Wilber thực hiện ngay về Mỹ. Cuộc "hội ngộ" sau 47 năm giữa viên phi công Mỹ và cậu thiếu niên ngày đó diễn ra như thế trong những giọt nước mắt của cựu phi công Walter Eugence Wilber. (Còn tiếp)
Bài và ảnh: Hoàng Thúy Hạnh - Phòng Giáo dục Truyền thông
Tổng hợp và biên soạn