Tin tức– Sự kiện
03/09/2018 21:23 03/09/2018 21:23 3338
Nhà văn Nguyễn Tuân và cuộc trò chuyện với Thiếu tá Hải quân John Sidney McCain trên giường bệnh
Ngày 26/10/1967, sau khi được những người dân Việt Nam cứu khi nhẩy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch, Thiếu tá Hải quân John Sidney McCain được đưa vào Viện Quân y 108 để chữa trị những vết thương. Trong bài ký “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào”, nhà văn Nguyễn Tuân đã thuật lại cuộc trò chuyện giữa ông và John S. McCain lúc đó đang ở trên giường bệnh.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã không đi sơ tán mà ở lại để cùng “sống mãi với Thủ đô”. Mỗi lần nghe tin máy bay Mỹ ném bom, ông lại tìm đến tận nơi xảy ra chiến sự để hỏi han, thu thập các tư liệu.
Trong bài ký, nhà văn đã nhắc đến thân thế đặc biệt của John S. McCain. Viên Thiếu tá xuất thân trong một gia đình nổi tiếng, có cha và ông nội đều là Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ. Ông nội là Tư lệnh Bộ chỉ huy Hải quân đặc biệt số 2 ở Thái Bình Dương vào thời kỳ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Cha là Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương từ tháng 7/1968.
 
 
Nhà văn Nguyễn Tuân (ảnh: Huỳnh Kim Đáng)

Trước khi đi ném bom Nhà máy điện Yên Phụ, John S. McCain đã thực hiện 22 phi vụ và trở về an toàn. Ngày 26/10/1967, xuất phát từ tàu sân bay USS Oriskany, chiếc A-4E Skyhawk của John S. McCain nằm trong tốp đầu, khi đang tiến hành ném bom thì bị trúng tên lửa SAM-2. Máy bay bốc cháy, do nhẩy dù và tiếp nước với tốc độ lớn nên John S. McCain bị thương cả hai tay và chân phải.  
Thời gian điều trị vết thương ở Viện Quân y 108 đã tác động đến suy nghĩ của Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ. Nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả John S. McCain khi ở trong Viện Quân y 108: “Trên giường sắt sơn trắng, trên đệm trắng của nhà thương, thẳng cẳng nằm dài một người cứng đờ cánh tay. Cánh tay phải giơ lên kia cũng trắng bệch, cứ giơ mãi như thế để tan loãng vào cái trắng nhờ của buồng bệnh thắp đèn hơi thủy ngân bóng hình ống”.
Hai lần đáp ứng lời đề nghị từ John S. McCain, nhà văn Nguyễn Tuân đã “châm” cho “bệnh nhân đặc biệt” này điếu thuốc lá Điện Biên khiến viên Thiếu tá “nghển nghển đầu xin cảm ơn”. Sau đó, John S. McCain đã từ từ trả lời các câu hỏi của nhà văn:
 “- Vâng, tôi nhận được lệnh đánh Khu Sáu tức Hà Nội vào lúc 10h sáng hôm đó, tính theo giờ Sài Gòn - tính theo giờ Hà Nội thì là 9h. 12 giờ Sài Gòn kém 10 phút thì tôi rời boong hàng không mẫu hạm. Và sự việc những phút sau như thế nào khi tôi bay vào bầu trời miền Bắc thì các ông đã biết cả rồi. Vâng, thưa ông, tôi bay trên miền Bắc tất cả là 23 lần. Ở miền Nam thì chưa được bay lần nào. Tôi có bay vào và có đánh Hải Phòng sáu lần. Chưa bay vào Hà Nội, trừ cái lần vừa rồi. Đại đội tôi 14 chiếc là đại đội chuyên đánh thứ bom điện tử định hướng. Tôi chỉ huy một phi đội hai chiếc A4 cường kích. Đó là lần đầu tôi đánh Hà Nội.
- Là lần đầu?
-  Và là lần cuối cùng.
- Nếu anh được cấp trên cho chọn giữa hai mục tiêu nhà máy nhiệt điện và cầu sắt dài trên sông Hồng, thì anh chọn cái nào?
- Cả hai đều là xấu cả, nghĩa là đều nguy hiểm cả, nhưng có lẽ đánh cầu thì tôi nghĩ có phần còn dễ đánh hơn nhà máy đèn. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng tôi có đánh trúng nhà máy đèn thì các ông vẫn có những cách riêng để giải quyết vấn đề ánh sáng cho Hà Nội.
-  Anh đánh nhà máy đèn trung ương Hà Nội mà lúc này, đèn điện vẫn cháy đều trên giường bệnh của anh, cũng như vẫn cháy đều ở khắp nơi khác của Hà Nội ngoài nhà thương này, thì anh có cảm tưởng gì?
-  Thưa ông, tôi không buồn mà cũng không vui. Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc để tôi được tha về. Bố tôi cũng không cứu được tôi. Ông Giôn xơn cũng không cứu được tôi…
 
 
Nhà máy điện Yên Phụ, năm 1967 (ảnh: Tập đoàn Điện lực Việt Nam)

- Nếu trong tình hình nào đó mà được trở về Hoa Kỳ thì ông sẽ làm nghề gì?
- Tôi sẽ viết sách. Tôi cũng muốn viết sách.
- Viết sách nhưng viết cái gì? Viết về những cái gì? Viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam?
- Không, tôi sẽ viết về châu Âu, những kỷ niệm mấy năm vừa rồi của tôi tại châu Âu. Tôi không biết rõ về Việt Nam và cũng không viết về chiến tranh.
- Tại sao không muốn viết về Việt Nam và chiến tranh ở Việt Nam?
- Vì tôi cho rằng tôi chưa biết gì lắm về Việt Nam. Vì tôi nghĩ rằng tôi cũng chưa hiểu gì lắm về chiến tranh…”.

John S. McCain sau khi trở về nước, năm 1973

Trong cuộc trò chuyện, nhà văn Nguyễn Tuân và John S. McCain đã có những trao đổi về văn học, về sở thích đọc tác phẩm của các nhà văn John Steinbeck, Hemingway của John S. McCain. Nhân thể, ông cũng nói với viên Thiếu tá Hải quân: “Không phải Chúa trời nào đã cứu sống anh đâu mà chính là vì những người Hà Nội chân chính đó đã hết sức tôn trọng phép nước họ đối với tù Mỹ bị bắt sống…”.
Bài ký “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào” được in ở trong tập tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” của nhà văn Nguyễn Tuân, một tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm


Chia sẻ: