Tin tức– Sự kiện
29/09/2018 16:03 29/09/2018 16:03 5543
“Cờ xin ăn” của Phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Trên hệ thống trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đang giới thiệu một hiện vật đặc biệt, đó là “Cờ xin ăn” hay còn gọi là “Phiếu máu”, đây là vật bất ly thân của Phi công Mỹ khi tham chiến tại Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước những chiếc máy bay của không quân Hoa Kỳ bị bắn hạ đã không còn là điều lạ lẫm đối với mỗi người dân Việt Nam. Quân và dân ta đã bắt được nhiều phi công Mỹ cùng với đó thu nhiều vật dụng cá nhân mà họ được trang bị khi lên máy bay, đó là: những tấm bản đồ đánh dấu mục tiêu, khung ảnh, quần áo kháng áp, bộ đồ bay dàn di, đôi dày cao cổ, một chiếc điện đàm để gọi cứu hộ,... 
 
 
Bộ đồ bay, phi công Mỹ sử dụng khi điều khiển máy bay trong 
cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc
 
Nhưng thú vị hơn cả đó là một lá cờ Mỹ có in thông tin với 14 thứ tiếng khác nhau: Anh, Pháp, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia,.... Với mục đích nhờ giúp đỡ và hứa sẽ được báo đáp. Lá cờ làm bằng tấm vải, hình chữ nhật cỡ 25x50cm, được in bởi một thứ mực đặc biệt với 2 màu xanh - đỏ, ngâm nước không phai và cực bền. Phi công Mỹ gọi đây là tờ “Phiếu máu”, còn người Việt Nam thì gọi là “Cờ xin ăn”. Trong đó, phần ghi bằng tiếng Việt như sau: “Tôi là người Mỹ. Tôi không nói được tiếng Việt. Gặp bước không may, tôi phải nhờ quý ông giúp đỡ, kiếm thức ăn, chỗ ở và nhờ quý ông bảo vệ tôi. Rồi tôi muốn nhờ quý ông đưa tôi đến một nơi nào đó có thể che chở cho tôi và đưa tôi về nước. Chính phủ chúng tôi sẽ đền ơn cho quý ông”.
 
Phần ghi bằng tiếng việt trên lá “Cờ xin ăn” của phi công Mỹ
 
Trong huấn luyện, phi công Mỹ được phổ biến khi máy bay trúng đạn, họ có hai sự lựa chọn: Một, cố gắng lái máy bay ra biển và nhảy dù, cơ hội được giải cứu sẽ rất cao. Hai, nếu rơi trên lãnh thổ đối phương, cố gắng lẩn trốn và tìm người giúp đỡ. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chưa có một phi công nào nhảy dù ở miền Bắc tìm được sự giúp đỡ để lẩn trốn. Nhưng một sự thật là phi công Mỹ khi bị bắt và đưa về trại giam Hỏa Lò, đều được đối xử rất nhân đạo. Họ được cung cấp đầy đủ lương thực, thuốc men thậm chí cả thuốc lá. Khẩu phần ăn của họ còn cao hơn cả bộ đội Việt Nam. Không chỉ được chăm lo về điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần của phi công Mỹ cũng được quan tâm: thăm khám bệnh, cho phép viết thư về nhà, tổ chức lễ giáng sinh hay được đi tham quan nhiều di tích lịch sử trong Thành phố... Tất cả điều đó đã chứng tỏ truyền thống khoan hồng và nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
 
Bài: Mai Thị Huyền, phòng Giáo dục - Truyền thông biên soạn và tổng hợp
Ảnh tư liệu Di tích Nhà tù Hỏa Lò


Chia sẻ: