Đồng chí Hoàng Quân Tạo sinh năm 1932 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Thân sinh đồng chí là cụ Lương Xuân Trà tham gia “Hội Kín” thuộc “Công hội đỏ” bị mật thám Pháp bắt, tra tấn dã man và đã mất khi đồng chí còn nhỏ. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, đồng chí sớm phải nghỉ học, đi đánh giầy và đưa báo cho các gia đình ở khắp thành phố.Nơi đồng chí Hoàng Quân Tạo sinh sống là khu Phúc Xá, nơi cư ngụ của người nghèo, nhưng đây là địa bàn có nhiều cơ sở cách mạng. Đồng thời, Phúc Xá cũng là nơi nhiều công nhân nhà máy đèn, nhà máy nước, nhà máy in IDEO sinh sống, đó là lực lượng chính tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp. Được chứng kiến những hoạt động cách mạng của đội tự vệ Hồng Hà, với công việc là bán báo nhưng khi bán hết báo đồng chí Hoàng Quân Tạo không về nhà ngay mà sang phố Phạm Hồng Thái lân la đến các vọng gác của lính Nhật, mua từng nải chuối tiêu chín đưa cho bọn lính Nhật rồi xin lựu đạn và đạn súng nói là để đánh cá ở sông, sau đó về đưa cho các đồng chí du kích trong đội tự vệ Hồng Hà gần nhà.Đêm 19/12/1946, tiếng súng của nhân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ, mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Thủ đô Hà Nội ngày ấy: “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Cùng với các thiếu niên Hà Nội, đồng chí Hoàng Quân Tạo tình nguyện xin vào các đơn vị để tham gia chiến đấu và được phân công làm nhiệm vụ liên lạc, đưa người bị thương đến trạm cứu thương lưu động, đục tường thông qua các nhà ra các tuyến phố tạo thành những đường giao liên bí mật. Nhiều lần, đồng chí tham gia chuyển vũ khí cho đội tự vệ chiến đấu trực diện với quân Pháp ở phố Bát Đàn, Hàng Thiếc, Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân…Sau cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Hà Nội, đồng chí Hoàng Quân Tạo phải đi tản cư về thôn Sở Thượng, xã Thanh Trì. Tại đây, đồng chí ra nhập đội dân quân du kích thôn Sở Thượng với nhiệm vụ làm liên lạc viên và theo dõi tình hình địch, ban đêm đồng chí cùng đội du kích lên đê chôn mìn từ đoạn làng Yên Duyên tới gần làng Đông Trì, chặn đánh các đoàn xe của thực dân Pháp chở vũ khí vào nội thành. Cuối năm 1948, đồng chí Hoàng Quân Tạo trở vào nội thành sau đó làm việc ở một xưởng gỗ tại phố Trần Nhật Duật. Tại đây, đồng chí được gặp đồng chí Lê Tám (phụ trách đoàn thanh niên cứu quốc nội thành Hà Nội), đã giác ngộ và kết nạp đồng chí vào Đoàn thanh niên cứu quốc. Sau một thời gian hoạt động, đồng chí được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ phát tài liệu trực thuộc ban Công vận nội thành do đồng chí Trần Thái Lân trực tiếp phụ trách. Trong một lần đến cơ sở chuyển lưu tài liệu tại số nhà 85A phố Hàng Lược, đồng chí đã bị mật thám Pháp vây bắt và đưa về phòng phản gián tối cao Bắc Việt. Tại đây, đồng chí đã bị mật thám Pháp dùng nhiều cực hình tra tấn như đánh bộ, tra điện, dìm bể nước…không khai thác được gì, thực dân Pháp chuyển đồng chí về giam tại tại khu căng I, phòng giam số 5 nhà tù Hoả Lò. Giữa năm 1953, địch chuyển đồng chí giam tại Nhà Tiền, sau Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký, tháng 7 năm 1954 được trả tự do. Ngay sau khi thoát khỏi nhà tù, mặc dù chưa liên lạc được với cơ sở cách mạng nhưng cùng một số các đồng chí trung kiên tự nguyện tuyên truyền vận động ngụy quân, ngụy quyền và bà con tiểu thương chợ Đồng Xuân phản đối âm mưu dụ dỗ di cư của bọn phản động. Sau ngày Hà Nội được giải phóng, đồng chí được Thành đoàn phân công tổ chức các lớp Bình dân học vụ tại Khu II, Quận III. Đến tháng 3/1955, đồng chí Hoàng Quân Tạo ở Đội Thanh niên xung phong tình nguyện xa rời Thủ đô nhận nhiệm vụ xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, được giao nhiệm vụ tuyển diễn viên thành lập đội kịch trong đoàn văn công Hà Nội, là tiền thân Nhà hát kịch Hà Nội hiện nay.Năm 1965, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã bổ sung, hoàn thiện phong trào “Ba sẵn sàng” và chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng nhập ngũ (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ); Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Là một người tham gia hoạt động từ thời niên thiếu, là chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày qua nhiều nhà tù thực dân, bị địch tra tấn cực hình nhưng đồng chí luôn kiên trung cách mạng, chịu mọi gian khổ, rèn luyện bản lĩnh chính trị ngay trong nhà tù thực dân, luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ cách mạng. Trước lời kêu gọi của tổ quốc, đồng chí Hoàng Quân Tạo đã viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng đất nước của dân tộc.
Công văn số 284 TC/TW năm 1965 của Ban Tổ chức Trung ương trả lời đơn tình nguyện
vào Nam chiến đấu của đồng chí Hoàng Quân Tạo
Khi nhận được đơn chuyển từ Ban Thống nhất Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương đã có công văn số 284TC/TW trả lời đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu và công tác của đồng chí Hoàng Quân Tạo có nội dung: “...Chúng tôi xin gửi lời hoan nghênh nhiệt tình cách mạng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng đất nước của đồng chí.
Chúng tôi sẽ cùng các cấp lãnh đạo nơi đồng chí công tác, nghiên cứu giải quyết nguyện vọng của đồng chí theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng ở cả hai miền, nhằm kết hợp được hai nhiệm vụ cách mạng trên...”.Sau khi cân nhắc giữa hai nhiệm vụ, đồng chí được Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ đưa đoàn kịch xung kích vào phục vụ nơi tuyến lửa.Dương Thanh Hùng phòng Nghiên cứu Sưu tầm