Tin tức– Sự kiện
12/12/2018 17:37 12/12/2018 17:37 2053
Câu chuyện trong miền ký ức
“Chúng tôi đã có câu tổng kết rất đầy đủ về chế độ ăn ở nhà tù Hoả Lò là “chế độ mắm, mè, trâu, đậu” - nghĩa là hàng tuần thay đổi các món ăn là mắm thối có dòi; cá mè gầy, nhỏ, tanh; thịt trâu già, dai như giẻ rách hoặc đậu tương nát, đã ép hết chất chỉ còn xác. Ngoài chế độ mắm, mè, trâu, đậu, hàng tuần cũng có thêm rau muống, họ mua rau muống thả ao, cắt dài,  có nhiều rễ bám theo, cân để lấy tiền. Khi ăn, chúng tôi phải vứt đi phần lớn, chỉ còn độ 2/10”. Đó là lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Trân nguyên Bí thư trung ương Đảng, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội về những ngày tháng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân sinh năm 1917 trong một gia đình thuần nông ở làng Quan Đình, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ nhỏ đồng chí sớm thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước. Năm 1938, đồng chí chính thức tham gia cách mạng, sinh hoạt trong tổ chức "Bắc kỳ ấn công Ái hữu", gia nhập đoàn đại biểu công nhân đòi "Tự do tổ chức nghiệp đoàn", đi tuyên truyền, tổ chức các cuộc đấu tranh.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Trân khi bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1940
 
Năm 1940, khi đang tổ chức in báo Cờ giải phóng thì thực dân Pháp vây bắt đưa về giam tại Sở mật thám, tại đây đồng chí phải chịu nhiều hình thức tra tấn như: dùng thanh củi, dùi cui, matraque (dùi cui có lõi thép bọc cao su) đánh vào đầu gối, khuỷu tay, sống lưng, bả vai… Dùi cui này có tác dụng đánh vào đâu thì đau sâu vào trong nhưng mặt ngoài da thì không có vết bầm tím hay trầy xước. Vì vậy, khi thực dân Pháp đưa ra xử trước toà án không hiện rõ thương tật. Hình thức tra tấn bằng máy quay điện (còn được gọi là sản phẩm của nền văn minh), Cách tra điện tuy không gây chết người (điện 110V) nhưng rất nguy hiểm vì chúng thường cho vào những nơi tập trung nhiều thần kinh của cơ thể, nhất là những bộ phận nhạy cảm và đầu răng, gan bàn chân…
Ba tháng sau , thực dân Pháp đưa đồng chí ra toà án xét xử, kết án 10 năm tù khổ sai và chuyển về giam tại nhà tù Hoả Lò.Tại đây, đồng chí đã phải trải qua những ngày tháng gian khổ với chế độ ăn uống kém chất lượng. Trong hồi ký của mình đồng chí đã từng viết “Chúng tôi đã có câu tổng kết rất đầy đủ về chế độ ăn ở nhà tù Hoả Lò là “chế độ mắm, mè, trâu, đậu” - nghĩa là hàng tuần thay đổi các món ăn là mắm thối có dòi; cá mè gầy, nhỏ, nát; thịt trâu già, dai như giẻ rách hoặc đậu tương nát, đã ép hết chất chỉ còn xác. Ngoài chế độ mắm, mè, trâu, đậu, hàng tuần cũng có thêm rau muống, họ mua rau muống thả ao, cắt cả dây, rễ bám theo, cân để lấy tiền. Khi ăn, chúng tôi phải vứt đi phần lớn, chỉ còn độ 2/10”.
 
 
Khu trại giam Nam tù chính trị
 
Sau khi ra tù đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến khi cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công và được cử giữ nhiều trọng trách quan trọng. Nhưng có lẽ đồng chí sẽ không bao giờ quên những năm tháng rèn luyện trong Nhà tù Hỏa Lò. Đồng chí đã từng nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, tuy bị giam ở nhà tù Hoả Lò chỉ một thời gian ngắn nhưng đó cũng chính là thời gian tôi được học tập, rèn luyện thêm ý chí đấu tranh. Nhà tù Hoả Lò thực sự trở thành trường đào tạo và rèn luyện cách mạng và hiện nay là “địa chỉ đỏ”, điểm tham quan để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của Thủ đô”.
 
            Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm.

Chia sẻ: