Bắt nhịp với cuộc sống sôi động và đa dạng hiện nay, nhiều câu lạc bộ đã được thành lập và có tầm ảnh hưởng nhất định đối với xã hội. Một trong những câu lạc bộ có nhiều hoạt động thiện nguyện, chính là Câu lạc bộ Con gái - Con dâu họ Phạm Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Câu lạc bộ Con gái - Con dâu họ Phạm Việt Nam đã phối hợp cùng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức các hoạt động ý nghĩa, nhằm tri ân các anh hùng, liệt sỹ và những cựu tù chính trị có hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên của Câu Lạc bộ đều là thân nhân cựu tù chính trị Nguyễn Văn Vũ thuộc dòng họ Nguyễn - Phạm. Ông từng tham gia hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt giam tại phòng giam M - Maison Centreal, với số tù 1/47. Hiện nay, tên của ông đã được ghi danh trên bảng vàng số 20, vần V, số thứ tự 08 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Chính vì vậy, các thành viên trong Câu Lạc bộ rất thấu hiểu về những mất mát, hy sinh, khó khăn, gian khổ mà các thế hệ tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã phải trải qua trong Nhà tù thực dân.
Khi được biết về “Quỹ Tri ân” cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò có hoàn cảnh khó khăn, Câu lạc bộ đã có những hoạt động thiết thực, những đóng góp về vật chất, góp phần làm vơi bớt những khó khăn của những người tù chính trị Hỏa Lò. Vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt (27/7/2018), Dịp Tết nguyên Đán (ngày 24/1/2019), đại diện Câu lạc bộ Con gái - Con dâu họ Phạm đã trao tặng những món quà vào “Quỹ Tri ân” với mong muốn các bác cựu tù chính trị Hỏa Lò được đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi với nhiều sức khỏe và niềm vui.
Đại diện câu lạc bộ con gái - con dâu họ Phạm tặng quà vào “Quỹ Tri ân” tại khai mạc trưng bày “Lời tri ân” nhân dịp kỉ niệm 71 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/07/2018
Những phần quà gửi tới các chiến sỹ cách mạng năm xưa chứa đựng tình cảm, tấm lòng tri ân với những người đã chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước. Đại diện câu lạc bộ Con gái - Con dâu họ Phạm hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng thơm thảo cùng chung tay góp sức vào “Quỹ Tri ân” để san sẻ bớt một phần những khó khăn của các bác cựu tù chính trị trong cuộc sống hàng ngày.
Mai Thị Huyền, phòng Giáo dục - Truyền thông