Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về lòng mỗi người lại hướng về gia đình, nguồn cội. Trong những ngày đầu năm mới, khu vực Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng hy sinh tại Nhà lao Hỏa Lò được nhiều du khách thành tâm bái lễ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Nén hương như nhịp cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa cõi trần và cõi linh thiêng. Làn khói trắng mỏng manh tỏa ra không trung khiến không gian Đài tưởng niệm đượm một vẻ hoài niệm linh thiêng khó tả.
Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng hy sinh tại Nhà lao Hỏa Lò (1896 - 1954) được xây dựng tại nơi trước đây thực dân Pháp cho đặt chiếc máy chém hành quyết các chiến sỹ. Biết bao đầu rơi, máu chảy. Máu đào của các anh đã thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ nơi đây.
Với lòng biết ơn, tri ân sâu sắc và cái tâm của người làm nghề, hai nhà điêu khắc Lê Liên và Khúc Quốc Ân đã dồn hết tâm trí để thiết kế, thi công Đài tưởng niệm linh thiêng giữa lòng Hà Nội. Được khởi công xây dựng vào năm 1998 và khánh thành vào năm 2000 nhân dịp kỉ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, với diện tích khoảng 200 m2, Đài tưởng niệm nằm chạy dài theo bức tường ngăn giữa di tích và tháp Hà Nội.
Toàn cảnh Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã hy sinh tại Nhà lao Hỏa Lò (1896 - 1954)
Bức tường khắc phù điêu bằng đá grannit với hai màu đen và đỏ. Mảng tường màu đen với cách xếp xô lệch và lối tạo hình khắc lõm, được hai nhà điêu khắc xử lý một cách độc đáo như đang tái hiện lại cuộc đấu tranh gian khổ của các chiến sỹ cách mạng với lý tưởng cao đẹp. Hai mắt sáng ngời của các chiến sỹ thể hiện niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam. Hình tượng gông xiềng, bất chấp mọi tội ác dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bức tường đá màu đen trong khu Đài tưởng niệm
Mảng tường đá màu đỏ kế bên khắc 8 chữ vàng: “Kiên trung bất khuất, vinh quang đời đời” khẳng định công lao to lớn của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng cùng với lời nhắn nhủ tâm huyết của các tử tù cho đồng đội trước lúc hy sinh: “Chào các đồng chí ở lại! Việt Nam muôn năm!” Vĩnh biệt!”.
Giữa giao điểm của hai mặt tường nét gập không đều hơi trùng xuống, tượng trưng cho hình ảnh lá cờ tổ quốc. Đây là nơi khách tham quan dừng chân, thắp nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính. Giữa làn khói nghi ngút và không gian thiêng liêng, thế hệ hôm nay như được sống giữa thời kỳ oai hùng nhưng cũng đầy gian khổ của các bậc cha anh. Ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ được thổi bùng lên, đóng góp vào công cuộc đổi mới của thành phố và sự phát triển của nước nhà.
Đoàn viên thắp hương tại Đài tưởng niệm
Giữa lòng thủ đô, Đài tưởng niệm tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục, tuyên truyền cho các thế hệ đoàn viên, thanh niên về lịch sử truyền thống của dân tộc ta. Cũng chính tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều lễ báo công, kết nạp đoàn viên, đảng viên, trưởng thành đoàn của nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt hàng năm vào các dịp lễ tết, 27/7 nơi đây còn là điểm đến quan trọng đối với nhiều gia đình, dòng họ, thân nhân của những chiến sỹ bị giam cầm, hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. Họ đến đây để tưởng nhớ, ghi nhận công lao và giáo dục thế hệ trẻ mai sau về sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã dành lại độc lập cho dân tộc, tổ quốc Việt Nam.
Năm tháng có thể trôi qua nhưng chúng ta không một ai được phép quên lãng những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, về lịch sử hào hùng của cả một dân tộc. Đài tưởng niệm mãi là biểu tượng của sức mạnh, ý chí quyết thắng, tinh thần vươn lên vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy của bao lớp người đi trước.
Trong dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, gia đình chị Hoàng Hạnh đến tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, sau khi làm lễ dâng hương chị chia sẻ: “Gia đình tôi đã đến Hỏa Lò nhiều lần, cứ đầu xuân năm mới, tôi cùng gia đình lại đến Đài tưởng niệm thắp hương kính dâng lên các anh hùng liệt sỹ và cầu chúc những điều tốt đẹp. Đồng thời mong muốn giáo dục cho các cháu về lòng biết ơn, sự tri ân. Luôn hướng về nguồn cội và mong một cuộc sống an lành, tốt đẹp”.
Gia đình chị Hoàng Hạnh chụp ảnh lưu niệm tại Đài tưởng niệm
Mai Thị Huyền, phòng Giáo dục - Truyền thông