Tin tức– Sự kiện
01/02/2019 15:17 01/02/2019 15:17 1857
Khi mẹ phải xa con (Phần 1)
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được tổng hợp và biên soạn về một trong những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu tham gia cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Đó là bà Hoàng Thị Ái.
 Bà Hoàng Thị Ái xuất thân trong một gia đình quan lại nổi tiếng ở Quảng Trị, ông nội bà là cụ Hoàng Hữu Xứng, từng có 30 năm làm quan dưới 7 đời vua Nguyễn. Cha bà cũng là một trí thức Tây học, vì yêu nước mà khi trở về Việt Nam, thay vì ra làm quan đã quyết định mở trường tư dạy con em người Việt tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm.
Là một nữ giao thông liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ, trong vai công nhân nhà máy chè Tu - ran (Đà Nẵng), bà Hoàng Thị Ái kể lại (Sách: Nguyễn Phong Sắc một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội, 2002): “Khi tới Đà Nẵng, tôi được anh Liễn, người quê Vĩnh Linh, đưa đến nhà anh Tường. Anh Tường quê Quảng Bình, hoạt động ở Đà Nẵng…được môi giới, tôi xin vào nhà máy chè Tu - ran. Vừa làm việc trong nhà máy chè, tôi vừa hoạt động. Thời gian đối với tôi trong lúc này thật quý giá vô cùng.
Ở nhà anh Tường một thời gian, tôi thấy bất lợi, bèn mua một căn nhà lá xiêu vẹo ngay tại bãi tha ma để ở. Nhà dột nát, ẩm thấp, lại có tin đồn trong nhà có yêu tinh đã vật chết nhiều người, vì thế nên trước khi tôi dọn đến, nhà bỏ không. Có người can tôi đừng mua cái nhà này, “khó ở lắm” vì nhiều người đã chết bắt đắc kỳ tử. Nhưng tôi quyết định mua và dọn ngay đến ở, vì nghĩ rằng ở bãi tha ma càng dễ bề hoạt động.
Ở được ít lâu, anh Thịnh đến (Thịnh là bí danh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc khi hoạt động ở Trung Kỳ). Đây là lần đầu tiên tôi được gặp anh.
Hôm ấy, tôi ngồi nhà một mình khâu vá quần áo, đột nhiên anh bước vào. Anh tự giới thiệu với tôi, nói rằng, qua anh em, tôi biết Ái ở đây, nhân chuyến đi công tác, liền rẽ vào thăm. Từ đấy, mỗi lần qua Tu - ran, anh lại ghé vào chỗ tôi, giao cho tôi nhiều tài liệu, bảo tôi mang phân phối cho các cơ sở”.
Sau đó, bà trở thành thư ký cho đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ. Khi đó, phong trào cách mạng ở Trung Kỳ đang phát triển mạnh, tổ chức đã yêu cầu hai ông bà đóng giả vợ chồng, cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà, cùng sinh hoạt chung như vợ chồng để dễ bề thâm nhập phong trào công nhân. Chính trong những ngày này, họ nảy sinh tình cảm với nhau. Được tổ chức động viên, bà đã trở thành vợ của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, dù biết rằng ở Hà Nội, ông đã có một người vợ và hai con nhỏ.
Tuy nhiên, quãng thời gian hạnh phúc của một người vợ với bà thật ngắn. Năm 1931, bà sinh con gái đầu lòng đặt tên là Thanh Vân. Trong điều kiện hoạt động cách mạng bí mật, lại đang diễn ra cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, không thể giữ con bên mình nên bà đành gửi con cho một gia đình cơ sở ở Hà Tĩnh nuôi. Ngày chia tay chồng con lên đường làm nhiệm vụ, bà chẳng ngờ rằng đó là ngày cuối cùng bà được gặp những người thân yêu nhất của cuộc đời mình.Tháng 5/1931, bà bị bắt giam tại nhà lao Vinh. Cùng thời điểm này, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng bị kẻ địch bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Ngày 26/5/1931, chúng đưa đồng chí đi thủ tiêu tại Nghệ An. 
Trong cuốn hồi ký của mình, bà Hoàng Thị Ái tuyệt nhiên không nói tới những đau khổ, mất mát mà bà từng trải qua. Ngay cả với những người thân trong gia đình, bà cũng hầu như không chia sẻ những câu chuyện buồn đau cũ. Nhưng tất cả con cháu đều hiểu những đau đớn, thiệt thòi và những hy sinh mà bà đã phải chịu đựng.
 
Bà Hoàng Thị Ái 
khi bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò 1940 - 1945
 
     Hoàng Thúy Hạnh - Phòng Giáo dục Truyền thông 
         (Tổng hợp biên soạn) 
 

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: