Nằm ở vị trí đắc địa, phố Nguyễn Khắc Cần dài 292m, bắt đầu từ phố Tràng Tiền đến phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đây nguyên là phần đất trong khu vực Tràng đúc tiền (Bảo tuyền cục) hồi đầu đời Nguyễn. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là phố Đuy-tơ-rơi đê Ranh (rue Dutreuil des Rhins). Năm 1945 đổi thành phố Yên Đổ. Năm 1949 đổi là phố Nguyễn Khuyến. Từ tháng 6/1964, đổi tên là phố Nguyễn Khắc Cần.
Khách sạn Hà Nội - nay là khách sạn De L'opera
Khách sạn Hà Nội - Hanoi Hotel được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Sau năm 1954, kháchsạn đổi tên thành Dân Chủ và hiện nay mang tên De L'opera ở 29 phố Tràng Tiền. Ngày 26/4/1913, tại đây xảy ra vụ ném tạc đạn giết chết hai tên sĩ quan cấp tá của quân đội Pháp là Chapuis, Montgrand và làm bị thương một số tên khác. Sự kiện hai sĩ quan Pháp bị chết làm rung chuyển Hà Nội. Người thực hiện vụ này là nhà Nho yêu nước Nguyễn Khắc Cần (1875-1913).
Chí sỹ Nguyễn Khắc Cần (1875-1913)
Nguyễn Khắc Cần sinh ra ở thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, nổi tiếng là người hay chữ, đã từng đỗ kỳ thi Hương nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học nên được người trong vùng kính trọng gọi là Đồ Cần. Đồ Cần tham gia phong trào Đông Du và hoạt động trong Việt Nam Quang phục hội (do cụ Phan Bội Châu sáng lập). Sau khi gây ra vụ nổ, ngày 7/5/1913, trong lúc vượt biên giới ở Lạng Sơn để sang Trung Quốc, Nguyễn Khắc Cần bị bắt. Ngày 5/9/1913, ông bị Hội đồng đề hình của tòa án thực dân Pháp tại Hà Nội kết án tử hình. Chúng đã thực hiện bản án này đối với Nguyễn Khắc Cần cùng 6 chí sĩ yêu nước khác của Việt Nam Quang phục hội bằng máy chém trước cửa nhà tù Hỏa Lò vào sáng 24/9/1913.
Ghi nhận công lao của Nguyễn Khắc Cần đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hiện nay trên cả nước có 03 địa phương có đường phố mang tên Nguyễn Khắc Cần: Phố Nguyễn Khắc Cần, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đường Nguyễn Khắc Cần, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Phố Nguyễn Khắc Cần thuộc Khu đô thị Phú Lộc 3, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội tên tuổi chí sỹ Nguyễn Khắc Cần được ghi trang trọng tại Bảng vàng số 1, số thứ tự 12, cùng với những tên tuổi lớn của các chiến sỹ yêu nước cách mạng Việt Nam.
Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục - Truyền thông