“Những anh em thanh niên trí thức làm cách mạng thời kỳ 1927 - 1930 và sau đó vào tù ai cũng làm một số bài thơ. Đó là tinh thần lãng mạn cách mạng nuôi dưỡng ý chí đấu tranh của mình”. Khẳng định của đồng chí Đặng Việt Châu được thể hiện qua những tác phẩm thơ mà phần lớn được đồng chí viết trong những năm tháng tuổi trẻ, đến với Đảng, với cách mạng bằng niềm tin, khát vọng cháy bỏng của một thanh niên trẻ, có học thức. Có những bài thơ được đồng chí viết khi còn là học sinh. Phần nhiều còn lại là những bài thơ được viết trong giai đoạn bị giam cầm trong các nhà lao hà khắc của thực dân Pháp.
Đồng chí Đặng Việt Châu, tên khai sinh là Đặng Hữu Rạng sinh ngày 02/7/1914, tại làng Bách Tính (nay là xã Nam Trung), huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khoa bảng Thành Nam vào lúc phong trào yêu nước sục sôi trong giới trẻ đã chắp cánh cho tâm hồn Nhà thơ - Nhà cách mạng tương lai Đặng Việt Châu cảm nhận được cái đẹp, cái hay, niềm tin trong dòng chảy đấu tranh của thanh niên và tầng lớp nhân dân.
Cuối năm 1929, Đặng Việt Châu vào học Trường Thành Chung - Nam Định, hoạt động trong hội "Học sinh đỏ", tham gia rải truyền đơn, đốt pháo ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, vạch mặt bọn thống trị. Đồng chí đã viết nhiều bài thơ đăng trên báo Tiếng chuông vàng chỉ rõ nỗi cơ cực của người dân mất nước một cổ hai tròng, cổ vũ lòng yêu nước của giới trẻ Thành Nam:
Cổ vũ tinh thần yêu nước của học sinh trường Thành Chung (Nam Định)
Bạn hữu chen nhau trước cửa trường,
Bỗng nghe vang dội một hồi chuông.
Tiếng chuông văng vẳng hồn non nước,
Tuổi trẻ say sưa chí quật cường.
Đèn sách thơ văn tuy vẫn thích,
Công danh phú quý quyết coi thường.
Năm châu sóng gió đang gầm thét,
Đâu lẽ ta đây chịu thủ thường.
Tháng 10/1929, đăng trên báo “Tiếng chuông vàng”
Đói khổ vì đâu?
Dân ta đói khổ bởi vì đâu?
Thuế nặng sưu cao đã ngập đầu?
Hào lý cậy quyền tranh ruộng đất,
Môn nha gặp việc nặn hầu bao.
Tầm tang đi khắp tìm đâu thấy?
Vải ngoại tràn sang diệt đã lâu.
Hết chỗ làm ăn lo chết đói,
Đi phu phải ký với cai thầu.
Tháng 11/1929, đăng trên báo “Tiếng chuông vàng”
Trường Thành Chung (Nam Định), nơi đồng chí Đặng Việt Châu học năm 1929
Cuối năm 1930, đồng chí Đặng Việt Châu thôi học và thoát ly gia đình bước chân vào con đường hoạt động cách mạng. Khi từ giã mái trường yêu dấu đồng chí Đặng việt Châu đã có xúc cảm mạnh mẽ trong bài thơ:
Nhìn lại mái trường trước khi đi
Đời người biến đổi thật mau thay,
Vừa mới tháng qua ở chốn này.
Học thuyết đua tranh, giành phía phải
Văn thơ đối đáp nảy vần hay
Mái trường đóng cửa ngồi yên chỗ,
Trời rộng tìm phương cất cánh bay.
Nhắn bạn những ai còn ở lại,
Con đường cách mạng tuổi hăng say.
Tháng 01/1931
Dương Thanh Hùng, phòng Giáo dục - Truyền thông
Tổng hợp và biên soạn