Trong cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ độc lập, dân tộc Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ngày hôm nay, bạn bè quốc tế đang chung tay cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình thịnh vượng. Trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” đang diễn ra tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, là lời cảm ơn từ trái tim đến những trái tim yêu chuộng hòa bình và mong muốn thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó và phát triển.
…Có gì đẹp trên đời hơn thế,
Người với người sống để yêu nhau…
Phần 2 của trưng bày với tên gọi“Khát vọng hòa bình” sẽ giúp chúng ta thấy rõ điều đó. Trong số rất nhiều quốc gia ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh, phải kể đến Campuchia - đất nước láng giềng luôn kề vai, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn,thách thức.
Năm 1959, khi cuộc chiến lên cao, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam quyết định mở đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) nhằm tạo ra mạng lưới giao thông chiến lược chạy từ Bắc vào Nam.
Đường Trường Sơn đi qua 7 tỉnh Campuchia với chiều dài hàng ngàn km. Nhân dân Campuchia trên tuyến hành lang mở đường đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà và góp phần xây dựng bảo vệ con đường trong suốt những năm dài chiến tranh, để đường Trường Sơn không ngừng vươn sâu, vươn xa đưa người và vận chuyển lương thực vào mặt trận miền Nam.
Ðược sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Campuchia, nhiều chuyến hàng chi viện từ miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa đã được vận chuyển vào Campuchia (qua cảng Xi-ha-núc Vin), từ đó tiếp tục được vận chuyển vào chiến trường miền Nam, thực hiện sự chi viện kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam. Những chuyến hàng chi viện vào cảng Xi-ha-núc Vin một phần cũng được vận chuyển lên cung cấp cho các lực lượng đang chiến đấu và công tác trên các tuyến đường nam Trường Sơn, góp phần củng cố và mở rộng tuyến đường vận chuyển chiến lược này.
Bộ đội Việt Nam hành quân trên tuyến đường Trường Sơn.
Ở các tỉnh vùng đông Bắc Campuchia có liên quan tới tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, nhân dân bạn đều có mối quan hệ tốt đẹp với Bộ đội Trường Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho ta mua lương thực, thực phẩm. Từ năm 1967, cho ta sử dụng đường 13 và đường sông Mê Công để vận tải chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Nhân dân Campuchia còn tham gia giúp đỡ vận chuyển hàng hóa, thu mua lương thực, giữ bí mật cho các đoàn hậu cần Việt Nam đứng chân và hoạt động trên đất nước mình...
Những tháng năm chiến đấu, mở đường, cán bộ, chiến sĩ công tác trên tuyến lửa Trường Sơn đã tích cực và tận tình giúp đỡ bạn xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, phát động chiến tranh nhân dân bảo vệ và mở rộng tuyến hành lang, xây dựng địa bàn vững chắc, đủ sức quét sạch bọn biệt kích, thám báo; đối phó có hiệu quả các thủ đoạn của kẻ thù. Ðó là sự giúp đỡ chí tình, vô tư, hiệu quả trên tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp bạn là tự giúp mình". Sự đồng tình, giúp đỡ và tham gia tích cực của nhân dân các địa phương Lào, Campuchia nơi đường Trường Sơn đi qua, sự gắn bó bền chặt và tình đoàn kết chiến đấu giữa Bộ đội Trường Sơn với quân và dân bạn là nhân tố quan trọng làm thất bại mọi âm mưu và hành động đánh phá, ngăn chặn của kẻ thù.
Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội Việt Nam
Trong bài phát biểu của mình tại cuộc tọa đàm với Lào, Campuchia ngày 13-12-1973, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: "Nhờ chúng ta liên minh với nhau, mới có điều kiện cần và đủ để đánh thắng... Không có Lào và Campuchia giúp đỡ, thì Việt Nam không thể thắng lớn được...".
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu sưu tầm.