Phần 2: Kỷ vật ngày được trả tự do
Thực dân Pháp bắt, giam ông Trần Khắc Cần tại Nhà tù Hỏa Lò cùng với các ông Lê Tám, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm, là những người bạn trong tổ làm báo Nhựa sống. Thời kỳ này, Nhà tù Hỏa Lò được đặt dưới sự cai quản của Chánh giám ngục Louis Toustou, người đảo Coóc (Pháp) có nhiều kinh nghiệm cai quản tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo trước khi được bổ nhiệm làm Chánh giám ngục Hỏa Lò.
Tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Trần Khắc Cần mang số tù 2056, giam tại trại O. Vượt lên hoàn cảnh tù đày, ông cùng nhiều bạn tù tiếp tục học tập, rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm của những tù nhân bị giam trước để cùng tham gia tổ chức cuộc sống tập thể trong tù. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng trong Nhà tù Hỏa Lò, tù chính trị đã tổ chức các hoạt động học tập văn hóa để góp phần nâng cao trình độ cũng như thắt chặt tình đoàn kết giữa các tù nhân. “Học sinh” ở đây là những người tù chưa biết chữ. Ông Trần Khắc Cần là người có trình độ nên được cử tham gia dạy văn hóa cho anh em tù nhân khác.
Trại giam O, Nhà tù Hỏa Lò
Trong tù, dụng cụ học tập không có, ông cùng các bạn khắc phục khó khăn bằng cách viết lên sàn xi măng hay vỏ bao thuốc lá; phấn viết là than củi hoặc gạch non; bút viết được làm từ những cành bàng. Nội quy nhà tù cấm không cho tù nhân tụ tập đông người, hành động đó được cho là bất hợp pháp và có thể bị phạt rất nặng, chính vì vậy các lớp học thường được tổ chức bí mật vào buổi tối.
Ngoài việc học tập văn hóa, các hoạt động văn nghệ cũng được Chi bộ Đảng nhà tù tổ chức. Đêm giao thừa Tết Quý Tỵ năm 1953, các trại giam đều bày bàn thờ Tổ quốc, có cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chủ Tịch tự vẽ, tất cả đều được chuẩn bị và cất giấu từ nhiều ngày trước. Sáng mồng Một Tết, các trại chuyển sang trang trí cờ hòa bình và hoa đào giấy, sau đó tổ chức thi đấu cờ tướng, kéo co, biểu diễn văn nghệ với vở kịch “Táo quân với Ngọc Hoàng”. Ông Trần Khắc Cần cũng tham gia vào vai Lý Toét trong một tiết mục văn nghệ.
Đến tháng 8/1953, thực dân Pháp chủ trương trả tự do cho một số học sinh, sinh viên kháng chiến bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò vì không thể kết án nặng hơn về tội in và phát tán báo Nhựa sống. Ngày 17/8/1953, Chánh giám ngục Louis Toustou đã ký giấy trả tự do cho ông Trần Khắc Cần và một số học sinh, sinh viên khác bị bắt cùng đợt với ông.
Giấy ra tù của ông Trần Khắc Cần, ngày 17/8/1953
Ngay sau khi bước chân qua cánh cổng Nhà tù Hỏa Lò, được hít thở bầu không khí tự do, các ông: Trần Khắc Cần, Lê Tám, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm liền rủ nhau ra Centrale Photo, một hiệu ảnh khá nổi tiếng ở phố Hàng Bông chụp chung một tấm ảnh, sau đó rửa ra bốn chiếc để mọi người lưu giữ làm kỷ niệm.
Ảnh chụp kỷ niệm sau khi được trả tự do
và bài thơ có chữ ký của bốn học sinh kháng chiến
(Hàng đầu, từ trái sang: Ông Trần Khắc Cần, Ông Lê Tám
Hàng hai, từ trái sang: Ông Nguyễn Kim Khiêm, Ông Dương Tự Minh)
Ông Lê Tám còn sáng tác một bài thơ ngắn và tự tay ghi vào phía sau bốn tấm ảnh, có chữ ký của mỗi người:
“Cánh cửa đề lao khép lại rồi
Nắng chiều quấn lấy bước chân vui
Ba mươi sáu phố e còn hẹp
Ta thấy hồn ta vẫn ngậm ngùi”.
Sau khi ra tù, ông Trần Khắc Cần tham gia lớp chỉnh huấn của Thành đoàn tại Xích Thổ, Ninh Bình. Tháng 03/1954, ông quay trở lại nội thành hoạt động, ông được giao nhiệm vụ làm báo Tiền phong, in truyền đơn và tham gia các công việc chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô.
Giấy trả tự do và bức ảnh kỷ niệm đã được ông Trần Khắc Cần trân trọng lưu giữ như những kỷ vật quý giá của ông cùng ba người bạn tù Hỏa Lò. (Còn tiếp)
Nguyễn Anh Tuấn, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Tài liệu tham khảo:
1. Sách: Một thời sôi nổi - Tập hồi ký của học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội (1947 - 1954), Nxb Hà Nội, 1998.
2. Sách: Nhà tù Hỏa Lò - Trường học yêu nước và cách mạng (1896 - 1954), Tập hồi ký của một số Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, Nxb Hà Nội, 2009.
3. Hồ sơ của ông Trần Khắc Cần (Lê Văn Ba) lưu tại Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, năm 2011.
4. Thông tin do ông Lê Văn Ba cung cấp.