Cuối năm 1939, thực dân Pháp tăng cường khủng bố mạnh, Võ Nguyên Giáp phải rút vào hoạt động bí mật, Quang Thái muốn đi cùng chồng nhưng lúc đó con gái Hồng Anh còn quá nhỏ nên chị đành động viên chồng an tâm thoát ly hoạt động và hẹn khi nào gửi được con chị sẽ đi cùng.
Nguyễn Thị Quang Thái sinh năm 1915 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại Thành phố Vinh - Nghệ An. Khi còn nhỏ Quang Thái cùng chị gái là Nguyễn Thị Minh Khai học ở trường làng. Năm 1929, Quang Thái thi đậu vàoTrường nữ sinh Đồng Khánh và chuyển vào Huế học tập.
Chị Nguyễn Thị Quang Thái khi còn trẻ
Trên chuyến tàu hỏa Hà Nội - Vinh - Huế, khi Quang Thái trên đường nhập học đã gặp người cán bộ cách mạng trẻ tuổi Võ Nguyên Giáp. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Võ Nguyên Giáp đã bị hút hồn bởi người con gái có khuôn mặt trái xoan, đoan trang, hiền thục và đôi mắt cương nghị, thông minh. Như duyên tiền định, sau cuộc gặp gỡ đó, họ cùng hoạt động cách mạng tại Huế. Năm 1931, Quang Thái và Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giam tại Lao Thừa phủ. Chính trong lao tù, tình yêu của hai người đã nảy nở từ lòng cảm phục lẫn nhau, từ chung một lý tưởng chiến đấu, cống hiến, bảo vệ Tổ quốc.
Lao Thừa phủ - nơi Quang Thái và Võ Nguyên Giáp bị bắt giam, năm 1931
Sau khi ra tù, Quang Thái và Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới tại Vinh rồi chuyển về Hà Nội sống trong căn nhà nhỏ thuê ở phố Đường Thành. Hàng ngày, Võ Nguyên Giáp vừa đi dạy học tại Trường Thăng Long vừa lãnh đạo Đoàn thanh niên dân chủ trong trường. Quang Thái tiếp tục đi học và thi đậu xuất sắc vào Trường Bà đỡ Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Hà Nội). Nhưng chỉ theo học được một thời gian, chị bị đuổi học vì tham gia hoạt động cách mạng trong giới học sinh, sinh viên.
Cuối năm 1939, thực dân Pháp khủng bố mạnh những người tham gia hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp phải rút vào hoạt động bí mật, rồi được Đảng cử sang Trung Quốc hoạt động. Con gái Hồng Anh còn quá nhỏ, hai vợ chồng không thể đi cùng nhau như đã hẹn, Võ Nguyên Giáp phân vân lo lắng khi để lại người vợ trẻ và đứa con còn quá nhỏ. Quang Thái động viên chồng “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà”.
Hai mẹ con Quang Thái và Võ Hồng Anh, năm 1939
Một thời gian sau, Quang Thái gửi con gái Hồng Anh về gia đình chồng ở Quảng Bình, tiếp tục đi hoạt động cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc viên của Trung ương Đảng. Năm 1942, trong một lần khám xét, thực dân Pháp đã bắt chị cùng đồng chí Nguyễn Duy Trinh, chúng kết án 16 năm tù và chuyển Quang Thái về giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Trong những ngày tháng bị cầm tù tại Hỏa Lò, với tình thương bao la của người mẹ phải xa con khi còn quá nhỏ, Quang Thái đã nén đau thương, chắp nhặt những mảnh giấy nhỏ viết thư gửi về cho con gái với những dòng chữ đầy ắp tình yêu thương :
“Tháng nào mẹ cũng viết thư cho Hồng Anh mà chẳng tháng nào mẹ nhận được thư ở An xá nói chuyện con cho mẹ nghe; Mẹ nhớ con, mẹ cứ nói luôn, mẹ nói một mình ấy, mẹ hôn con yêu quý của mẹ rất nhiều; Mẹ nhớ Anh quá, mẹ xa Anh 12 tháng rưỡi rồi, Anh cao lớn hơn khi mẹ ở nhà, mẹ tưởng tượng là bà đưa ảnh ba mẹ cho Anh hôn. Mẹ hôn con 100 cái hôn của mẹ”.
Vượt lên nỗi đau về thể xác và tinh thần, Quang Thái luôn chăm sóc, động viên, dậy chị em học văn hóa, ngoại ngữ. Với vai trò Trưởng ban Ngoại giao, nhiều lần Quang Thái trực tiếp lãnh đạo chị em đấu tranh, phản đối chế độ nhà tù hà khắc, đòi đảm bảo những điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Chị Quang Thái khi bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
(ảnh do mật thám Pháp chụp, năm 1942)
Cuối năm 1943, trong nhà tù Hỏa Lò xảy ra dịch thương hàn, nhiều chị em bị nhiễm bệnh. Có kiến thức về y khoa, Quang Thái hết lòng chăm sóc các chị em bị bệnh, nhưng sau đó, vì sức khỏe yếu do những trận đòn tra tấn của mật thám Pháp, chị đã nhiễm bệnh. Biết mình khó qua khỏi, Quang Thái nhắn người nhà mang con gái Hồng Anh vào để hai mẹ con được được gặp nhau. Nhận được tin, mẹ chồng chị liền đưa bé Hồng Anh đi, nhưng mới đi được nửa đường thì xe lửa bị máy bay quân đồng minh ném bom, hai bà cháu đành phải quay trở về.
Quang Thái mất đi mà không được gặp con gái và chồng lần cuối.
Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm