Để đất nước có những tháng ngày bình yên hôm nay, biết bao máu xương của cha anh ta đổ xuống trong các cuộc kháng chiến bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, trong đó không thể không kể đến sự hy sinh cao cả, thầm lặng của hàng vạn chiến sỹ thuộc lực lượng Công an nhân dân.
Phần 1: Lời thề dưới cờ Tổ quốc
Liệt sỹ Trần Bình, tên thật là Trần Văn Tích, sinh năm 1928 tại thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Xuất thân trong một gia đình nghèo, năm 14 tuổi anh đã rời quê lên Hà Nội làm đủ nghề để kiếm sống. Tuy không được đi học, nhưng Trần Bình sớm giác ngộ cách mạng, 18 tuổi anh đã tham gia đội “Hành động” thuộc Công an quận 6, Thành phố Hà Nội.
Đội hành động thuộc Công an Quận 6, Thành phố Hà Nội
Những tháng cuối của năm 1947, ở Hà Nội, thực dân Pháp dùng lực lượng quân sự kết hợp với bọn phản động nhằm phá vỡ cơ sở cách mạng. Ngày 10/10/1947, đội “hành động” Công an quận 6 nhận lệnh của Thành ủy và Ủy ban Kháng chiến Hà Nội phải trừ khử tên việt gian Trương Đình Tri - Chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Việt.
Nhà của Trương Đình Tri ở phố Hàng Mã, Hà Nội
Trương Đình Tri là tên việt gian đầu sỏ, chuyên chỉ điểm cho thực dân Pháp phá nhiều cơ sở, bắt giữ nhiều chiến sỹ cách mạng nội thành của ta. Nhiệm vụ thi hành bản án tên Việt gian đầu sỏ này được giao đích danh cho đồng chí Đặng Đình Kỳ và Trần Bình, thuộc Công an quận 6. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, cả 2 đồng chí đều đã tập luyện kỹ lưỡng các tình huống ném lựu đạn, bắn súng và tìm hiểu quy luật hoạt động của tên việt gian. Tên này được bọn cận vệ canh gác rất cẩn mật, đi lại bằng ô tô và có sự giám sát đặc biệt. Trước giờ thi hành nhiệm vụ, anh Trần Bình và Đặng Đình Kỳ nghiêm trang đứng trước quốc kỳ của Tổ Quốc, thề sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, dù cho phải hy sinh tính mạng của mình….Rồi các anh bình tĩnh, tự tin lên đường. Hai quả lựu đạn gồm một quả lựu đạn cháy, một quả lựu đạn nổ được các anh rút chốt an toàn cho vào 1 tờ báo tới địa điểm phục kích. Đúng 15h từ nhà riêng tại 98 phố Hàng Mã, Trương Đình Tri bước lên xe chuẩn bị ra Tòa thị chính. Tên cận vệ của Trương Đình Tri nhìn trước, nhìn sau không thấy gì bèn chui vào ô tô mà không đóng cửa kính. Các anh Bình và Kỳ mừng lắm nhìn nhau rồi nhanh như cắt cùng một lúc, 2 quả lựu đạn bay vèo vào trong xe. Chiếc xe nổ tung và bốc cháy, cả 2 người rút lui an toàn. Sáng hôm sau, tin bác sỹ Trương Đình Tri - Chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Việt bị sát hại được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, mật thám Pháp treo giải thưởng lớn cho người nào bắt được 2 thanh niên đã mưu sát Trương Đình Tri.
2 khẩu súng của đ/c Trần Bình và đ/c Đặng Đình Kỳ
Sau chiến công đó, Trần Bình được cấp trên tin tưởng giao tiếp nhiệm vụ cùng Nguyễn Văn Thuận trừ khử tên Chánh Mật thám Liên bang Buốc - Ních. Hắn là tên thực dân cáo già, quỷ quyệt đã giết hại nhiều cán bộ cách mạng của ta. Hai ngày cuối tháng 12/1947, Bình và Thuận nằm mật phục ở một cơ sở đối diện nhà riêng của Buốc - Ních mà không thấy động tĩnh gì. Đoán là kế hoạch bị lộ, 2 chiến sỹ công an lập tức viết báo cáo gửi về xin ý kiến cấp trên, nhưng thư chưa kịp gửi thì lính Pháp bất ngờ ập đến, Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận bị bắt cùng vũ khí và mảnh giấy báo cáo chưa kịp hủy. Tại Sở Mật thám Pháp, mặc dù bị chúng dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man nhưng Bình và Thuận chỉ nhận vào nội thành để giết tên Buốc - Ních chứ tuyệt nhiên không chịu khai báo cơ sở cách mạng. Chính tay Buốc - Ních đã ra nhiều ngón đòn tra tấn và dụ dỗ 2 anh. Riêng Trần Bình, chúng biết anh là người đã trừ khử tên Trương Đình Tri nên càng bị tra tấn dã man hơn. Chúng trói giật cánh khuỷu, dòng dây kéo Trần Bình lên trần nhà, rồi hun lửa đốt từ đầu gối tới bụng. Nỗi đau đớn khi bị thiêu sống lên đến cùng cực, nhưng chẳng làm nhụt chí người chiến sỹ công an quê lúa Thái Bình. Thực dân Pháp đành chuyển Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận sang Nhà tù Hỏa Lò, nhốt vào khu xà lim tử hình. Trần Bình hàng ngày vẫn chịu những trận đòn khốc liệt nhất, bị đóng đinh vào các đầu ngón chân, ngón tay nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn tranh thủ nhờ bạn là Nguyễn Văn Thuận dạy viết chữ, để nếu thoát được án tử hình lại tiếp tục hoạt động cách mạng.
(còn tiếp)
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn