Tin tức– Sự kiện
10/09/2017 18:15 10/09/2017 18:15 1958
Những nhân vật chính trong bộ phim “Tết Việt Nam hòa giải” (Phần 2)
“Lần này tôi tới Việt Nam là khách, còn trước đây thì...”, Everett Alvarez nói lấp lửng. Bữa nay về lại Hỏa Lò, chẳng phải đợi ai hướng dẫn, ngay từ khi bước xuống xe, Alvarez xăm xăm đi vào khu có buồng giam số 6. Alvarez bước dài, bước ngắn, mặt lúc thì rạng rỡ, lúc thì ngơ ngác…
Từ Hòn Gai, Everett Alvarez được đưa về Hà Nội bằng ô tô. Mãi khi về tới Nhà tù Hỏa Lò thì Alvarez mới bàng hoàng được biết, người bạn cùng phi đội, Trung úy Richard Christan cùng nhiều phi công khác tham gia trận đánh này đã thiệt mạng.
Bộ đồ bay cùng những trang bị của phi công và mảnh xác chiếc máy bay A-4 giờ đã trở thành những hiện vật tại Bảo tàng Quân đội (Nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Lần trở lại Việt Nam này, ông cùng đạo diễn Punman đã đến Bảo tàng để ngó lại bộ đồ bay và xin phép được đội lại chiếc mũ phi công ngày ấy. 
 
 
E. Alvarez được đưa tới tham quan khu trưng bày hiện vật 
của những phi công Mỹ bị bắn rơi tại miền Bắc Việt Nam
 
Sau khi trở về Mỹ, Everett Alvarez vẫn tiếp tục phục vụ trong lực lượng Hải quân. Năm 1980, Everett Alvarez được nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Hiện nay, ông sống tại Rockvill bang Maryland. Ông từng viết cuốn sách Chim ưng bị xiềng được xuất bản tại Mỹ năm 1978. Cuốn sách kể về cuộc sống của ông trong những ngày bị tạm giam tại Hỏa Lò, Hà Nội.
 
 
E. Alvarez (trái) về đến sân bay quân sự Clark (Philippines), ngày 12-2-1973
 
Thượng nghị sỹ Ben Purcen từng là một nhân vật khá đặc biệt trong số những tù binh phi công Mỹ bị tạm giam tại các trại giam ở miền Bắc Việt Nam. Qua câu chuyện của ông, được biết ông đã từng hai lần vượt ngục: Lần thứ nhất trong một đêm mưa, ông đã thoát khỏi trại giam ở Cầu Biêu, Thanh Trì, Hà Nội lần theo đường Quốc lộ số 1, mò đến Đại sứ quán Pháp nhưng gần đến cổng Đại sứ quán thì bị bắt lại. Lần thứ hai ở Vĩnh Phú, qua một tuần “chui bờ rúc bụi”, Ben lại mò đúng vào một đơn vị bộ đội.  
 
 
E. Alvarez (trái) trong đoàn làm phim tại Hỏa Lò, tháng 3/1993 
và hai cha con Ben Purcen (Ảnh: Xuân Ba)
 
Ngoài những nhân vật “ngoại quốc” trên, đoàn làm phim đó còn có sự tham gia của ông Nguyễn Đạt, phi công của quân đội Việt Nam Cộng hòa, người từng nhiều lần ném bom miền Bắc và đã có hơn 2.000 giờ bay. Nguyễn Đạt bị bắt ở Quảng Bình và giam ở Hỏa Lò từ mùa hè năm 1966 đến tháng giêng năm 1973. Nguyễn Đạt cũng là diễn viên cuối cùng của bộ phim “Tết Việt Nam hòa giải”.
Cũng theo theo sáng kiến của đạo diễn Punman, ông đã bố trí cho nhân vật chính  của bộ phim: cựu phi công E. Alvarez  được gặp lại Đại tá Chu Hoàng Bích - ông chính là anh Thiếu úy trẻ măng đã dẫn giải tù binh Alvarez từ Quảng Ninh về Hà Nội ngày 05/8/1964; Và Trung tá Nguyễn Hợp, là người đầu tiên trực tiếp thẩm vấn E. Alvarez vào năm 1964. Cả hai người đều nói được tiếng Anh, vậy là câu chuyện của 3 con người từng ở 2 chiến tuyến sau 20 năm lại trở về cứ ngỡ như vừa mới hôm qua…
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn

Chia sẻ: