Không có sự ồn ào, hiếu động của tuổi mới lớn, các em học sinh trong Câu lạc bộ “Trải nghiệm em yêu lịch sử” chăm chú lắng nghe và ghi chép thông tin do cán bộ hướng dẫn truyền đạt khi tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Sáng ngày 18/12/2016, nhóm học sinh lớp 5 của Câu lạc bộ “Trải nghiệm em yêu lịch sử” gồm 22 em học sinh và phụ huynh đã đến tham quan, học tập ngoại khóa tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Câu lạc bộ “Trải nghiệm em yêu lịch sử” được thành lập bởi sự kết nối trên mạng Internet và tham gia tự nguyện của nhiều bậc phụ huynh học sinh có con theo học các trường Tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Định kỳ, hàng tháng, câu lạc bộ tổ chức cho các nhóm học sinh đi tham quan, học tập ngoại khóa tại một số bảo tàng, di tích, làng nghề tại Hà Nội.
Nhóm học sinh lớp 5 của Câu lạc bộ “Trải nghiệm em yêu lịch sử”
chụp ảnh lưu niệm tại cổng chính Di tích
Theo cô Lương Thị Hường, người chủ trì các hoạt động của Câu lạc bộ “Trải nghiệm em yêu lịch sử” cho biết: “Di tích Nhà tù Hỏa Lò được các bậc phụ huynh học sinh trong câu lạc bộ chọn là địa điểm đưa các con đến tham quan, học tập về tinh thần kiên trung, bất khuất, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù thực dân - Đây là nội dung lớn liên quan đến lịch sử Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Không có sự ồn ào, hiếu động của tuổi mới lớn, các em học sinh trong Câu lạc bộ “Trải nghiệm em yêu lịch sử” chăm chú theo dõi, lắng nghe và ghi chép cẩn thận các thông tin trong từng nội dung trưng bày do cán bộ hướng dẫn giới thiệu.
Nhóm học sinh lớp 5 của Câu lạc bộ “Trải nghiệm em yêu lịch sử”
tham quan khu trưng bày ngoài trời tại Di tích
Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Tô Hoàng, Hà Nội cảm nhận: “Con rất xúc động khi được tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Đây là một trang sử viết về sự gian khổ, hy sinh của của các chiến sỹ cách mạng. Con thấy trân trọng những gì mà chúng con được hưởng hôm nay, bởi vì để có độc lập, tự do cho đất nước, các chiến sỹ cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò đã phải đổ nhiều xương máu”.
Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Tô Hoàng, Hà Nội
nêu cảm nhận sau khi tham quan Di tích
Cuối buổi tham quan, nhiều cánh tay của các em học sinh giơ lên để được nói lên cảm xúc và trả lời những câu hỏi liên quan đến Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò mà các em thu thập được trong buổi tham quan, học tập ngoại khóa.
Các em học sinh trong Câu lạc bộ “Trải nghiệm em yêu lịch sử” hăng hái giơ tay trả lời
câu hỏi của cán bộ hướng dẫn sau buổi tham quan
Chị Thục Anh phụ huynh học sinh Nguyễn Thùy Anh - Trường Tiểu học Điện Biên, Hà Nội tham gia đoàn học sinh học tập tại di tích cho biết: “Việc đưa các cháu đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò tham quan, học tập là điều cần thiết. Ở trường, các cháu chỉ được học lịch sử thông qua bài giảng của thầy, cô. Tại đây, các cháu được tiếp xúc với những hình ảnh trực quan sinh động, giúp các cháu dễ hiểu, dễ nhớ. Mô hình học tập ngoại khóa của các em học sinh được tổ chức tại di tích hôm nay rất hữu ích và cần được nhân rộng”.
Hiện nay, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đang kết hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển (trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam) xây dựng chương trình đào tạo ngoại khóa cho học sinh các cấp tại di tích. Hy vọng, trong thời gian tới, nơi đây sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn để các trường học trên địa bàn Thủ đô và cả nước đưa học sinh đến tham quan, nghiên cứu và học tập ngoại khóa.
Đào Thị Huệ, Phòng Nghiên cứu Sưu tầm