Tiến sĩ Ku Su Jeong là thành viên của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt; Bà cũng là nhân tố tích cực của phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, một phong trào được hình thành trong xã hội Hàn Quốc từ năm 1999 và thu hút được khá đông người dân Hàn Quốc tham gia. Nhiều hoạt động có ý nghĩa cao đẹp đã được những thành viên Quỹ Hòa bình Hàn - Việt thực hiện như: Lập bia tưởng niệm; Xây dựng công viên Hòa bình Hàn - Việt tại tỉnh Phú Yên; Lập tượng Pieta Việt Nam (tên tiếng Việt là “Lời ru cuối cùng”, khắc họa hình ảnh một người phụ nữ đang ôm vào lòng đứa con bé bỏng, thơ dại. Mắt khép hờ như sắp chìm vào giấc ngủ, đứa bé đang nắm tròn hai bàn tay mềm yếu và nhỏ bé hơn rất nhiều so với cái đầu của mình) để xin lỗi những bà mẹ và những đứa trẻ vô tội Việt Nam đã mất trong những cuộc thảm sát của lính đánh thuê Nam Hàn, trong những năm 1960 của Thế kỷ XX.
Tượng Pieta Việt Nam (tên tiếng Việt là “Lời ru cuối cùng”)
Trong những ngày mùa thu tháng Mười này, Tiến sĩ Ku Su Jeong lại có dịp quay trở lại Việt Nam cùng một đoàn học sinh đến từ Thủ đô Seoul - Hàn Quốc. Đây là các em học sinh vừa bước vào năm học đầu tiên của bậc trung học phổ thông. Với phương châm đào tạo kiến thức kết hợp với trải nghiệm thực tế, đặc biệt là cho các em được tìm hiểu về lịch sử, nhiều trường phổ thông ở Hàn Quốc đã phối hợp với Quỹ Hòa bình Hàn - Việt tổ chức cho các đoàn học sinh đến tham quan và trải nghiệm tại Việt Nam.
Những địa điểm mà Quỹ Hòa bình Hàn - Việt lựa chọn để đưa các em học sinh Hàn Quốc đến là những làng quê thuộc các tỉnh Nam Trung bộ, nơi mà cách đây 50 năm về trước lính đánh thuê Nam Hàn đã gây ra những vụ thảm sát thường dân Việt Nam. Tại đây, các em sẽ được dự các buổi lễ tưởng niệm nạn nhân của các vụ thảm sát, các em sẽ được sống cùng những người dân nơi đây trong một vài ngày để thấu hiểu và chia sẻ với họ những mất mát, đau thương mà gia đình họ đã phải trải qua. Các em giúp những người dân nơi đây làm sạch môi trường, làm đẹp không gian sống cho chính họ.
Đoàn giao lưu thanh niên hòa bình Hàn-Việt sơn tường cho một trường tiểu học thuộc xã Bình Dương,
huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Tổ chức Nawauri
Nơi các em học sinh Hàn Quốc còn được đến để trải nghiệm là những bảo tàng, những di tích ghi dấu ấn chiến tranh. Bởi lẽ tôn chỉ hoạt động của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt là giúp các bạn trẻ Hàn Quốc thấu hiểu nỗi đau do chiến tranh mang lại, để từ đó giúp thế hệ trẻ Hàn Quốc cùng chung tay xây dựng một Thế giới hòa bình.
Suốt hơn một tháng cùng các em học sinh trải nghiệm tại nhiều địa điểm trên dải đất hình chữ S, Tiến sĩ Ku Su Jeong đã nhận ra một điều: Học sinh Hàn Quốc rất thích thú với những điều được trông thấy, được nghe thấy và được tự tay thực hiện ở Việt Nam. Được tới thăm di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, đa số các em học sinh trong đoàn đều có chung cảm nghĩ: Phần trưng bày ở đây tuy còn đơn sơ (so với các bảo tàng ở Hàn Quốc) nhưng lại rất ấn tượng, các em rất thích thú với những câu chuyện kể về những chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Em Lu Lu, học sinh lớp 7, đến từ Thủ đô Seoul đã có những dòng chia sẻ: "Khi đến với Việt Nam chúng em đã được tìm hiểu rất nhiều về văn hóa và lịch sử Việt Nam, tìm hiểu những đề tài về chiến tranh và phụ nữ, về các bảo tàng..., đến đây chúng em đã hiểu phần nào về lịch sử chiến tranh Việt Nam và những gì mà Hàn Quốc đã gây ra tại đây. Em mong rằng với những hành động mà nhân dân và xã hội Hàn Quốc đã xây dựng trong gần 20 năm qua sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau cho nhân dân Việt Nam, hướng đến một thế giới hòa bình mãi mãi".
TS. Ku Su Jeong và thư ký làm việc với Ban Quản lý Di tích nhà tù Hoả Lò
Một tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ như bức tượng Pieta Việt Nam sẽ không thể làm thay đổi thế giới. Thế nhưng, nhiều hoạt động ý nghĩa mà Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đã và đang làm sẽ tạo ra sức mạnh vượt qua mọi rào cản để cảm hóa lòng người, hướng tới một Thế giới hòa bình cho nhân loại. Hy vọng rằng, trong một tương lai gần, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt sẽ là cầu nối tích cực để đưa nhiều hơn các bạn trẻ Hàn Quốc đến với Việt Nam, đến với di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Nguyễn Khánh Hồng - Phòng Trưng bày, Tuyên truyền