Phần 4: Gặp nhà nhiếp ảnh đã chụp bức ảnh cho Cha
Ngày 19/10/2016, Thomas Eugene Wilber tiếp tục quay trở lại Việt Nam. Hành trang trong chuyến đi này vẫn là những kỷ vật của Cha - Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber để trao tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Bảo tàng Quân khu IV, hai địa chỉ mà Thomas đã coi như ngôi nhà thân yêu của mình.
Được sự kết nối nhiệt tình của TS.Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và các cộng sự, trong chuyến sang Việt Nam lần này Thomas đã được gặp Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành - Phóng viên; Nguyên Trưởng ban Biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ngay tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Từ trái sang: Ông Thomas Eugene Wilber, TS.Nguyễn Thị Bích Thủy, Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1968 - 1969), được sự phân công của Thông tấn xã Việt Nam, Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành được điều vào Khu IV, nơi được gọi là “Tuyến lửa” bởi sự khốc liệt của chiến tranh nơi đây. Ông đến để thực hiện những phóng sự bằng ảnh về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân khu IV dưới làn mưa bom, bão đạn của quân đội Mỹ.
Năm 1972, Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành lại có dịp cầm máy, chụp những bức ảnh về sự tàn phá của pháo đài bay B52 Mỹ đối với miền Bắc - Việt Nam, trong đó có trận “Điện Biên Phủ trên không”, diễn ra vào những ngày cuối của tháng 12/1972 trên bầu trời Thủ đô Hà Nội. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa này, người Việt Nam đã không đơn độc: nhân dân các nước trên thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ đều lên tiếng phản đối và đòi chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam của quân đội Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Jane Fonda một minh tinh màn bạc của Holywood đã đến Việt Nam bằng trái tim của một người Mỹ yêu hòa bình. Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành là một trong số ít phóng viên Việt Nam được đón tiếp và thực hiện những phóng sự ảnh về hoạt động của Jane Fonda tại Việt Nam. Trong suốt hơn 1 tuần được cùng Jane Fonda đi thăm những nơi bị bom đạn Mỹ tàn phá, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã ghi lại được những bức ảnh vô giá: Bệnh viện Bạch Mai bị san phẳng; Đê sông Hồng bị bom Mỹ cày xới; Thành phố dệt Nam Định bị hủy diệt… Đặc biệt, trong thời gian này, Jane Fonda đã được gặp các tù binh phi công Mỹ đang bị tạm giam tại Hà Nội để thấy rõ chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với những người lính Mỹ.
Buổi gặp gỡ giữa minh tinh màn bạc Holywood và tù binh phi công Mỹ
Trong đó có Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber (dấu x)
Địa điểm được chọn để tổ chức buổi gặp gỡ giữa Jane Fonda và tù binh phi công Mỹ là trụ sở của Ủy ban Liên lạc văn hóa với người nước ngoài (phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội). Theo lời kể của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành thì: Trong khi chờ Jane Fonda tới, một tù binh phi công Mỹ đã nói “Tôi không nghĩ rằng tại Hilton Hà Nội (Trại giam Hỏa Lò) lại được gặp và nói chuyện với Jane Fonda, tôi đã từng ước ao được đụng vào bàn tay chị, nếu phải lau rửa ôtô cho Jane Fonda để được gần chị thì tôi cũng sẵn sàng vì đó là một diễm phúc”. (Rất tiếc, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành không nhớ tên người phi công đó, những ông nhớ rất rõ người lính đó đã mỉm cười trong bức ảnh do ông chụp tại buổi gặp gỡ với Jane Fonda).
Buổi gặp gỡ giữa minh tinh màn bạc Holywood Jane Fonda và những tù binh phi công Mỹ đã được ống kính của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành ghi lại một cách chân thực, và trong bức ảnh đó Thomas đã nhận ra cha mình - Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber cùng người bạn của Cha là Thiếu tá phi công Edison Miller.
Thomas đã bày tỏ sự vui sướng, cảm động đến nghẹn ngào, ông không thể tin nổi trong chuyến đi lần này, qua sự kết nối, ông lại được gặp chính nhà nhiếp ảnh đã chụp bức ảnh về Cha mình hơn 40 năm về trước. Để rồi những câu cảm ơn, những cái bắt tay, những cái ôm nồng ấm đã diễn ra giữa Thomas và nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Với nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, ông cũng không tránh khỏi sự xúc động, ông nói với Thomas: “Hôm qua, những phi công Mỹ còn là kẻ thù của người Việt Nam nhưng hôm nay người Việt Nam chúng tôi đã coi họ như những người bạn. Nói như thế để mọi người hiểu rằng, người Việt Nam không muốn có chiến tranh, người Việt Nam yêu hòa bình!”. Thomas liên tục gật đầu và nói “Yes, yes, yes! Thank you!”(Đúng là như vậy, xin cảm ơn!). Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã ký tặng Thomas cuốn sách ảnh “Ký ức chiến tranh” ngay tại bức ảnh về cuộc gặp gỡ giữa Jane Fonda và những tù binh phi công Mỹ, trong số đó có người Cha kính yêu của Thomas, do chính Chu Chí Thành chụp.
Thomas Eugene Wilber bắt tay cảm ơn Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành
Cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa Thomas và nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã mở ra những ý tưởng mới trong thời gian tiếp theo. Có thể sau khi trở về Hoa Kỳ lần này, Thomas sẽ lại là người kết nối với bà Jane Fonda để từ đó tổ chức một cuộc gặp mặt giữa bà và nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Chúng ta sẽ cùng tiếp tục chờ những điều bất ngờ mới sẽ đến trong chuyến “Hành trình tri ân” của Thomas Eugene Wilber bằng một trái tim yêu thương với Cha và bằng tấm lòng của một người Mỹ yêu hòa bình.
Nguyễn Khánh Hồng - Phòng Trưng bày, Tuyên truyền