“Ở Hà Nội những năm 1940 có một hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng ở số nhà 54, phố Hàng Gai. Chủ nhân của hiệu buôn đó là một đôi vợ chồng mà cuộc sống của họ dường như đã đi vào huyền thoại, bởi những đóng góp tích cực cho cách mạng Việt Nam. Tuy họ không cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận mà âm thầm, lặng lẽ góp phần nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng; quyết liệt và táo bạo, giúp đỡ nhiều chiến sỹ cộng sản sau khi trốn thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò. Đó chính là gia đình cụ ông Đỗ Đình Thiện và cụ bà Trịnh Thị Điền”.
Đại gia đình ông Đỗ Đình Thiện
Ông Đỗ Đình Thiện là con út trong một gia đình viên chức, mồ côi cha từ lúc 5 tháng tuổi. Thuở nhỏ, ông học ở trường Hàng Vôi, nhưng vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh nên bị đuổi học, ông phải “đổi khai sinh” xuống Thành phố Nam Định để học tiếp.
Qua sự mai mối của anh em ông Cát Thành, Cát Tường, là những thành viên của phong trào “Đông Kinh nghĩa thục”, ông Đỗ Đình Thiện đã gặp bà Trịnh Thị Điền, hai bên ưng thuận rồi làm lễ ăn hỏi. Đó là vào năm 1927, khi đó bà vừa tròn 16 tuổi, còn ông bước sang tuổi 24. Ngay sau đó, ông rời Việt Nam sang Pháp du học. Ở Pháp, ông Thiện vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp.
Ông Đỗ Đình Thiện trong những năm du học ở Pháp (1927 - 1932)
Tuổi thơ của bà Trịnh Thị Điền cũng cơ cực. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 4 tuổi, bà ở với một người anh cùng cha khác mẹ, cuộc sống vất vả đã biến bà thành một con người trầm tư, sống nội tâm và đầy nghị lực.
Qua sự giới thiệu của cậu em họ là ông Ngô Đình Mẫn, bà Trịnh Thị Điền bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, sinh hoạt ở chi bộ phố Huế thuộc Đảng Tân Việt. Đầu năm 1930, sau khi ba đảng hợp nhất, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương tăng cường gây dựng cơ sở cách mạng ở Hải Phòng - Hòn Gai, bà Trịnh Thị Điền quyết định thoát ly gia đình xuống hoạt động trong tổ chức của Đảng ở Hải Phòng.
Tại Hải Phòng, bà bắt liên lạc với ông Nguyễn Tạo, là người cùng hoạt động ở chi bộ phố Huế trước đây. Nhóm hoạt động của bà còn có ông Chức, ông Sáng và 2, 3 công nhân khác, có nhiệm vụ in tài liệu, làm giấy thuế thân và căn cước giả để các đồng chí đi hoạt động. Bà Trịnh Thị Điền đã bán đi sợi dây chuyền 2 chỉ vàng lấy vốn mở quán cơm làm địa điểm liên lạc. Bà cũng thường tham gia chuyển tài liệu từ Hải Phòng về Hà Nội, ra Hòn Gai.
Do bị một tên phản bội chỉ điểm, bà Trịnh Thị Điền bị thực dân Pháp bắt giam ở Sở cẩm Hải Phòng, sau đó giải về Sở Mật thám Hà Nội. Hoạt động cách mạng đã khó khăn, gian khổ nhưng những đòn tra tấn của Thực dân Pháp thì còn kinh khủng gấp bội lần. Nhưng cũng chính vì có thời gian bị bắt giam trong tù mà bà Trịnh Thị Điền được làm quen với một số nhà cách mạng như: Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du… Bà cũng đã gặp được đồng chí Lê Duẩn trong nhà lao.
Bà Trịnh Thị Điền, Mật thám Pháp chụp năm 1931, với số tù 168834
Cuối năm 1931, cô gái Hà Nội 21 tuổi Trịnh Thị Điền đã quyết định tuyệt thực một tuần để phản đối việc tra tấn dã man và ngược đãi phụ nữ trong nhà tù. Lo sợ bà chết, thực dân Pháp phải đưa bà ra điều trị ở Nhà thương Phủ Doãn và sau đó đã phải trả tự do cho bà sau 6 tháng giam giữ mà chẳng khai thác được gì.
Ra tù, bà Trịnh Thị Điền lại tiếp tục liên lạc, tiếp tế cho các đồng chí vẫn đang bị giam giữ trong tù. Bà đã bí mật gửi 2 lưỡi cưa sắt bằng nửa ngón tay út, nhét trong đôi dép dừa để giúp các đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí khác vượt ngục tại Nhà thương Phủ Doãn trong đêm Noel năm 1932.
Bà Trịnh Thị Điền, ảnh chụp năm 1936
Cùng thời gian này, ông Đỗ Đình Thiện bị bắt tại Pháp, phải ngồi tù trong một thời gian, sau đó bị trục xuất về nước. Ông bà bị quản thúc chặt chẽ, nhà cửa thường xuyên bị khám xét, nên đã quyết định trở về với công việc đời thường, mở hiệu buôn bán tơ lụa ở phố Hàng Gai, rồi tậu đất, dựng nhà máy dệt ở Gia Lâm, mua lại đồn điền cà phê từ người Pháp ở Chinê (Hòa Bình) với giá 2.000 lượng vàng. Đến đầu những năm 40, ông bà Đỗ Đình Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Ông bà Thiện còn sẵn sàng nhận một số người vừa thoát khỏi nhà tù vào làm việc tại tiệm buôn và đồn điền của gia đình như: ông Vũ Đình Huỳnh làm ở tiệm buôn, ông Nguyễn Tuấn Thức và Lê Văn Hiền làm ở đồn điền Chinê. Ông bà Đỗ Đình Thiện nhận các đồng chí vào làm việc trong các cơ sở của gia đình, trước hết là để anh em có việc làm, sau là để tiện liên lạc với cách mạng.
Đồn điền Chinê của gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện
ở Lạc Thủy, Hòa Bình, năm 1940
Năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, đóng vai một người buôn tơ đến tìm ông bà Thiện tại số nhà 54, phố Hàng Gai. Ông Nguyễn Lương Bằng cho biết Đảng đang rất khó khăn về tài chính, không chút do dự, bà Trịnh Thị Điền đã gửi ngay 3 vạn đồng Đông Dương để gây quỹ cho Đảng. Đầu năm 1945, ông bà Thiện lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng Đông Dương để bổ sung vào ngân quỹ của Đảng.
Ông Nguyễn Tạo, một chiến sỹ cách mạng vượt ngục Hỏa Lò năm 1932 cũng cho biết “Cuối tháng 12/1932, tôi vượt ngục Hỏa Lò. Đồng chí Trịnh Thị Điền liên lạc với đồng chí Nguyễn Thụy Nhân giúp đỡ tôi. Năm 1943, tôi vượt ngục Ban Mê Thuột ra tới Hà Nội, đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc, cho tôi 2 vạn đồng Đông Dương để tổ chức hoạt động cách mạng”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà riêng của ông bà Thiện ở 54 phố Hàng Gai lại trở thành “nhà khách” của Chính phủ. Các phái đoàn từ Nam bộ ra họp đều đã qua đây nghỉ ngơi, ăn uống, may quần áo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã mời cơm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại đây. Bà Trịnh Thị Điền còn được giao tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn ở phố Nguyễn Du để Hồ Chủ tịch tiếp các tướng Tiêu Văn, Lư Hán.
Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, ảnh chụp năm 1955
Còn Cụ ông Đỗ Đình Thiện khi ấy được Chính phủ giao nhiệm vụ phụ trách “Quĩ độc lập” Trung ương, gia đình lại tiếp tục góp vào quĩ này 10 vạn đồng Đông Dương (trị giá 4kg vàng). Trong tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, ông bà Đỗ Đình Thiện lại tiếp tục ủng hộ thêm 4kg vàng nữa.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn
* Tài liệu tham khảo: Khuất Biên Hòa - “Cách mạng Việt Nam có những người như thế” - Báo Phụ nữ Việt Nam, ngày 31/8/1995.