Tin tức– Sự kiện
30/09/2017 15:54 30/09/2017 15:54 2638
Hai chị em, hai người đồng chí
Cùng tham gia hoạt động cách mạng, cùng bị bắt giam một ngày và cùng nhau nếm trải những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống tù đày, hai chị em bà Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Cốm đã vượt qua gian khổ, phấn đấu vươn lên, xứng đáng là những người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1930), bà Nguyễn Thị Cốm (sinh năm 1932), là hai chị em ruột, sinh ra trong một gia đình trung nông tại thôn Quan Nhân, xã Nhân Chính, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội). Thân sinh của hai bà là ông Nguyễn Văn Hiệp làm công nhân Sở Hỏa xa Hà Nội, mẹ là là Đỗ Thị Gẩy làm nông nghiệp tại địa phương. Thời đó, do quan niệm của gia đình còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên hai chị em không được đi học mà phải ở nhà phụ giúp cha mẹ.
 
 
Bà Nguyễn Thị Hồng (bên phải) và Nguyễn Thị Cốm
 
Năm 1948, bà Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Cốm tham gia đội du kích xã Nhân Chính. Tuy là nữ, nhưng với bản chất thông minh, nhanh nhẹn, mưu trí, hai bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao như: phá tề, trừ gian, bảo vệ xóm làng, đưa đón cán bộ vũ trang ở hậu phương về nằm vùng; vận động nhân dân che giấu và giúp đỡ cán bộ kháng chiến... Ngày 03/05/1951, thực dân Pháp cho quân đi càn quét tại xã Nhân Chính và dồn một số người ra đình Quan Nhân. Sau khi nhận mặt những người tham gia hoạt động cách mạng, chúng bắt 19 người trong đó có bà Hồng, bà Cốm về bốt Ngã Tư Sở tra tấn bằng nhiều cực hình như quay điện, đánh bộ… Sau một tháng, không khai thác được thông tin gì từ bà Hồng, bà Cốm và các đồng đội, chúng chuyển họ lên giam tại xà lim Sở Mật thám Bắc Kỳ để tiếp tục tra tấn, khai thác thông tin.
 
 
Xà lim Sở Mật thám Bắc Kỳ
 
Tháng 6/1951, hai chị em bà Hồng, bà Cốm bị chuyển giam tại trại giam  Nữ - Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, hai bà đã nêu cao tinh thần của người cách mạng, đoàn kết, giúp đỡ và động viên chị em trong trại giam, vượt qua mọi khó khăn, tự tổ chức cuộc sống. Trong tù, bà Hồng, bà Cốm vẫn không ngừng rèn luyện bản thân, tham gia tích cực vào các lớp học văn hóa, các buổi biểu diễn văn nghệ, đấu tranh tuyệt thực phản đối chế độ nhà tù hà khắc. Với những nỗ lực của bản thân, ngày 29/7/1952, bà Nguyễn Thị Hồng được chi bộ Đảng Nhà tù Hỏa Lò công nhận là Đảng viên chính thức ngay trong trại giam.
 
 
Trại giam Nữ tù nhân, Nhà tù Hỏa Lò
 
Khi hai con bị bắt, mặc dù không biết các con mình đang bị giam ở đâu, nhưng bằng tình thương của người mẹ, hàng ngày bà Đỗ Thị Gẩy đã dùng chiếc bị cói, đựng thức ăn, đi đến nhiều đồn, bốt để tìm gặp và tiếp tế cho các con. Sau khi biết hai con gái của mình đang bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, hàng tháng đều đặn 3 lần, bà đến tiếp tế và thăm các con. Không chỉ gửi gắm cho các con những món quà về vật chất; tranh thủ những lúc vào thăm nuôi, bà Đỗ Thị Gẩy còn động viên các con của mình cố gắng chịu đựng, vượt qua những khổ cực của cuộc sống tù ngục, giữ trọn lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để sau khi ra tù tiếp tục phục vụ cách mạng.
 
 
Bị cói, bà Đỗ Thị Gẩy dùng đựng đồ tiếp tế cho hai con 
khi bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 - 1952
 
Cuối năm 1952, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử và kết án, hai chị em bà Hồng, bà Cốm bị ghép vào tội danh “Quấy rối an ninh quốc gia” với mức án 1 năm tù giam (đối với bà Hồng) và 9 tháng tù giam (đối với bà Cốm). Tính đến thời điểm xét xử, cả hai bà đã bị giam quá một năm, nên được trả tự do.
Thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò, bà Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Cốm lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Sau ngày Giải phóng Thủ đô, hai bà tích cực tham gia công tác tại địa phương, lần lượt giữ những cương vị quan trọng. Bà Nguyễn Thị Hồng là Phó Bí Thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã Nhân Chính (1960 - 1963); Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng Công an xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Nhân Chính (1964 - 1966); Đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964), khóa III (1964 - 1975). Bà Nguyễn Thị Cốm giữ các cương vị Phó Ban Công an xã Nhân Chính (1967 - 1968); Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã Nhân Chính (1969 - 1973); Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhân Chính (1974 - 1976); Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhân Chính (1977 - 1982); Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhân Chính (1983 - 1989).
Hiện nay, mặc dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, bà Hồng, bà Cốm vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Mỗi khi Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò mời tham dự sự kiện, hai bà không ngại đường xa, tuổi cao, sức yếu, vẫn nhiệt tình cùng nhau đến dự. Tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù và tấm gương “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của hai chị em bà Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Cốm xứng đáng để thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.
Một số hình ảnh bà Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Cốm tham dự sự kiện tổ chức tại Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò:
 
 
Bà Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập 
Ban liên lạc chiến sỹ yêu nước, cách mạng bị địch bắt tù đày
 tại Nhà lao Hỏa Lò (1991 - 2016), tháng 12/2016
 
 
Hai chị em tham dự Lễ trao Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố 
Hà Nội tặng các đồng chí trong Ban liên lạc chiến sỹ yêu nước, cách mạng 
bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954), tháng 7/2017
 
Hai chị em tham dự tọa đàm “Hỏa Lò - Nhà tù kiên cố 
bậc nhất ở Đông Dương”, tháng 8/2017
 
                                                                   Bài: Đào Thị Huệ
                                                                   Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
 
 
 
 
 
 
 
 

Chia sẻ: