Tại một gian phòng ở di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện đang trưng bày chân dung 7 tù chính trị vượt ngục vào đêm Noel 24/12/1932 trong đó có đồng chí Phạm Quang Lịch, người tù bị kết án 20 năm khổ sai, người con ưu tú của quê hương Thái Bình.
Cứu đói cho nông dân
Đồng chí Phạm Quang Lịch (Hào Lịch) sinh năm 1901 tại thôn Nam Huân, xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Người cha mất sớm, chỉ có mình đồng chí là nam giới trong nhà. Vốn xuất thân trong một gia đình khá giả, có nhiều ruộng đất nhưng đồng chí lại sớm giác ngộ cách mạng, hiểu thấu nỗi khổ của người nông dân dưới ách áp bức của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
Đồng chí Phạm Quang Lịch (ảnh do mật thám Pháp chụp)
Năm 17 tuổi, đồng chí đã đứng lên tập hợp nông dân chống lũ cường hào trong xã, trong huyện. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đều được đồng chí nhiệt tình giúp đỡ. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Năm 1928, đồng chí tham gia Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thái Bình.
Từ khi tham gia cách mạng, đồng chí tìm mọi cách đem ruộng đất của mình cấp cho những người nghèo và dành hoa lợi một số đất ruộng cho quỹ tài chính của huyện bộ, tỉnh bộ.
Người nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc
Tháng 4/1930, nông dân Thái Bình bị đói nghiêm trọng, đồng chí đã tập hợp và chỉ đạo hơn 2.000 người, đem về nhà mình và nhà Hoa Lộc (chú ruột) chia thóc.
Mấy hôm sau, đồng chí lại lãnh đạo hàng vạn người tới nhà Bát Song, xin cho dân vay thóc. Bát Song nói: Anh muốn vay phải có văn khế, văn tự, có lý trưởng, chánh tổng áp triện chứng nhận. Anh lôi hàng vạn người ùa tới nhà tôi mà gọi là đi vay?
Đồng chí Phạm Quang Lịch quay ra hô to: Mời đồng bào vào lấy thóc!
Như nước vỡ bờ, nhân dân ùa vào kho thóc nhà đại địa chủ lấy. Sau đó, đồng chí bị kết án 8 tháng tù vì tội “vay thóc”.
Bị bắt
Cuối năm 1930, vì bị tình nghi tham gia hoạt động cách mạng, Đặng Trần Quý tức Quý béo (thợ may ở thị xã Thái Bình) bị thực dân Pháp bắt. Tên tổng đốc Thái Bình ra điều kiện cho Quý béo muốn thoát chết phải khai do Phạm Quang Lịch tuyên truyền, vận động hắn vào Đông Dương Cộng sản đảng.
Tháng 11/1930, đồng chí Lịch bị bắt. Giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng, đồng chí đã vượt lên nhiều đòn tra tấn cực hình của kẻ thù. Khi đưa ra xét xử, đồng chí bị kết án 20 năm khổ sai, chuyển giam tại Nhà pha Hỏa Lò.
Việc đồng chí bị bắt để lại sự nuối tiếc không nguôi đối với nông dân Thái Bình lúc đó, vì họ đã mất đi một “người anh hùng cứu rỗi” những khi mùa màng thất bát.
Nhà pha Hỏa Lò
Cuộc sống của những người tù Hỏa Lò trong thời gian đồng chí Phạm Quang Lịch bị giam vô cùng thiếu thốn. Mỗi người chỉ được giữ hai bộ quần áo số, một chiếc chiếu, một cái chăn, một gáo dừa và một ống bơ, còn những thứ khác đều là “bất hợp pháp”. Để đề phòng, chánh giám ngục lại huy động bọn cai ngục, lính gác tổng khám xét mỗi tháng một lần. Khi nghi ngờ phạm nhân giấu tài liệu, chúng lại tổ chức khám xét một tuần một lần hoặc hai, ba lần.
Trại giam trong Nhà pha Hỏa Lò
Kẻ địch chỉ giam cầm được thể xác nhưng không thể giam cầm được sự sáng tạo, ý chí đấu tranh của những người chiến sỹ cách mạng. Dưới đôi bàn tay khéo léo của những người tù, những đai thùng rượu vang dùng đựng nước vối ở các trại giam được nạy ra và dần biến thành dao, kéo, đục, chàng… Những gáo dừa đã biến thành bát ăn cơm, thìa múc canh, đĩa đựng thức ăn… Những ống bơ sữa bò cũng thành bát ăn cơm, đĩa, thìa, xoong, nồi, đến cả ngòi bút, lọ mực, hộp đựng tài liệu bí mật…
Chuẩn bị cho ngày Quốc tế Lao động (01/5/1931), một số thanh niên đi vận động xin rút những sợi chỉ đỏ ở khăn mặt của tù nhân, rồi nhẫn nại ngồi dưới gầm sàn lim đan thành lá cờ búa liềm để kéo lên trong lễ kỷ niệm. Tờ Lao tù tạp chí bằng bốn ngón tay cũng được phổ cập tới mọi “hang cùng ngõ hẻm” trong Nhà pha Hỏa Lò.
Vượt ngục
Với mong muốn được trở về tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Quang Lịch và sáu đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn, Lê Đình Tuyển, Võ Duy Cương bàn kế hoạch vượt ngục. Để thực hiện kế hoạch này, các đồng chí đã tạo ra những căn bệnh nguy hiểm buộc y tá nhà tù phải đề nghị chánh giám ngục cho chuyển sang điều trị tại Nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).
Đồng chí Phạm Quang Lịch nhịn ăn mấy ngày cho người gầy gò, hốc hác, rồi giả mắc bệnh giang mai bằng cách lấy dao cạo đầu gối cho lở ra. Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn giả mắc bệnh ho lao bằng cách lấy kim châm vào lợi cho chảy máu, rồi ho sù sụ, vờ khạc ra đờm có lẫn máu. Đồng chí Lê Đình Tuyển giả mắc bệnh “loạn thần kinh” bằng cách đập phá, la hét. Đồng chí Nguyễn Tạo thì nín thở, giả bị đau tim. Còn đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Võ Duy Cương lấy dao lam đâm vào cổ và tay, giả tự tử.
Phòng bệnh ở nhà thương Phủ Doãn, nơi đồng chí Phạm Quang Lịch
và các bạn tù vượt ngục đêm Noel 24/12/1932
Bằng cách trên, bẩy đồng chí đã ra được nhà thương Phủ Doãn. Để có dụng cụ cưa song sắt cửa sổ xà lim số 4 - nơi giam đồng chí Lê Đình Tuyển, đồng chí Phạm Quang Lịch viết thư gửi cho một người bà con làm thợ bạc. Hai hôm sau, các đồng chí đã nhận được một hộp sắt đựng đường có hai đáy, bên trong giấu 3 lưỡi cưa thép. Mấy hôm sau nữa, các đồng chí lại nhận thêm một hộp đường và 30 đồng bạc.
Sau khi hoàn thành việc cưa song sắt, 3h20’ đêm Noel 24/12/1932, các đồng chí đã rời buồng giam, trèo tường thoát ra ngoài, hòa cùng dòng người đi lễ tấp nập ở Nhà thờ lớn. (Còn tiếp)
Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Trong ngục tối Hỏa Lò, Nguyễn Tạo, Nxb Văn học, 1959.
- Chúng tôi vượt ngục, Nguyễn Tạo, Nxb Văn học, 1977.
- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
| | Words:1225 Characters:5637 | |