Tin tức– Sự kiện
25/01/2018 16:42 25/01/2018 16:42 1772
Một tình yêu lớn
Với mong muốn tri ân sự cống hiến, hy sinh của những nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, sau thời gian dài nghiên cứu, lần đầu tiên tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, những hình ảnh, tài liệu về 5 đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ được lựa chọn để trưng bày trong chuyên đề “Sáng mãi niềm tin”.
Xin được giới thiệu tới quý độc giả bài viết của Nhà văn Nguyệt Tú về chuyện tình yêu, tình vợ chồng, tình đồng chí của 2 nhà cách mạng: Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. 
Phần 1: Gặp gỡ và kết hôn
Một buổi tối mùa đông năm 1928, Minh Khai đánh thức em gái dậy: Thái ơi, dậy chị nói điều ni: 
- Chi đó, chị chưa ngủ à? 
Minh Khai là chị cả của tám em. Quang Thái nhỏ hơn Minh Khai năm tuổi nhưng rất hợp với chị. Tình chị em gái được tô đẹp thêm bằng tình bạn. Minh Khai đợi em tỉnh ngủ, thổ lộ cho em biết điều mình suy nghĩ từ lâu:
- Có lẽ chị sẽ nhận lấy một ông chồng.
Cách đây không lâu, có một nhà quan ở Huế mời mẹ và Minh Khai vào chơi rồi gợi chuyện muốn cầu hôn cho con trai ông. Mẹ ưng ý, bàn với bố:
- Nhà người ta nền nếp. Con người ta học giỏi. Ông bảo nó một câu!
Bố trả lời:
- Nó đã không ưng thì có trời mà nói được. Tôi đã hỏi nó, nó bảo: "Tổng đốc cũng chưa to".
Minh Khai đã trả lời mẹ:
- Con chưa nghĩ đến chuyện ấy.
Quang Thái thường đứng về phía Minh Khai. Bây giờ, nghe chị nói sẽ lấy chồng, Quang Thái nhìn chị ngạc nhiên:
- Sao bây giờ chị lại đổi ý?
Minh Khai nói một mạch:
- Chị hoạt động cách mạng, cứ đi đêm về hôm mãi dễ mang tai tiếng cho bố mẹ. Nếu mình có chồng rồi thì ai còn dư luận này kia nữa. Bây giờ chị phải thoát ly. Mà đã thoát ly thì phải có nơi sinh sống, phải lấy một ông chồng.
 
 
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
 
Lúc này Minh Khai nghĩ đến một đồng chí trong Đảng Tân Việt mà chị có thể nhận chồng trên danh nghĩa. Nghe chị nói, Quang Thái thấy thương chị. Tuổi mười lăm chưa biết yêu. Con gái lấy chồng thường do bố mẹ quyết định. Cô không ngờ cuộc đời hai chị em sẽ gắn bó với hai người nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
 
 
Đ/c Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột đ/c Nguyễn Thị Minh Khai
 
Năm 1924, tiếng bom cảm tử Phạm Hồng Thái ám sát toàn quyền Meclanh vang dội Quảng Châu. Cảm phục sự hy sinh của bạn mình nhưng Lê Hồng Phong chọn con đường khác. Rời bỏ Tâm tâm xã, Lê Hồng Phong đi tìm gặp Lý Thụy (bí danh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc) ở Quảng Châu.
Anh được đồng chí Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào Cộng sản đoàn. Năm 1926, Lê Hồng Phong được cử sang Liên Xô học hai năm không quân và ba năm chính trị ở Trường Đại học Phương Đông. Trong thời gian này, Lê Hồng Phong gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô. Cuối năm 1931, Lê Hồng Phong về nước lãnh đạo phong trào cách mạng ở Đông Dương đang bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt.
 
 
Đồng chí Lê Hồng Phong trong bộ quân phục phi công của Hồng quân Liên Xô, năm 1927-1928
 
Năm 1934, Lê Hồng Phong sang Thượng Hải gặp nhóm các đồng chí hoạt động ở hải ngoại: Hà Huy Tập, Hoàng Văn Nọn... Trong nhóm, Lê Hồng Phong để ý người con gái xứ Nghệ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, có đôi mắt to tròn, gương mặt cương nghị.
Năm 1930, rời Hải Phòng đi Hương Cảng trên một chuyến tàu Trung Quốc, Minh Khai phải mặc quần áo giả trai và đi "xúp", tức là ngồi bó gối trong kho than bên cạnh lò than nóng nực.
 
 
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai khi hoạt động cách mạng
 
Sang Hương Cảng, chị được học chính trị với đồng chí Lý Thụy. Có bữa cơm, nghe chuyện chính trị mê mải đến nỗi một người bạn trêu, bỏ quả ớt vào bát cơm, Minh Khai ăn cả cơm lẫn ớt mà không biết. Minh Khai làm liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam. Ngày 29 tháng 4 năm 1931, Minh Khai bị bắt. Chị bình tĩnh trả lời mật thám Anh:
- Tôi là người Trung Hoa.
Mật thám Anh không có cớ gì giao chị cho chính phủ thuộc địa Pháp. Chúng chuyển Minh Khai sang Quảng Châu, rồi Thượng Hải. Chị kịp chuyển mảnh giấy nhỏ từ nhà tù cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc: "Dù bị tra tấn cùm kẹp, quyết không khai. Các anh yên tâm". Mảnh giấy nhỏ ấy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhận được trước ngày bị bắt ở Hương Cảng tháng 6 năm 1931.
Ba năm trong tù, Minh Khai bị mất liên lạc với Đảng. Hội cứu tế đỏ đã can thiệp cứu Minh Khai ra khỏi tù. Suốt một thời gian dài, chị may thuê trên đường phố Thượng Hải để tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Cuối cùng, chị cũng liên lạc được với nhóm các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn...
Thời gian ở Thượng Hải, Minh Khai có cảm tình với người đồng hương xứ Nghệ, Lê Hồng Phong. Năm ấy, Lê Hồng Phong 32 tuổi. Trước đây, anh đã có vợ ở quê. Anh đi thoát ly hoạt động lâu, vợ anh đã lấy chồng khác. Dáng người cao lớn, cử chỉ lịch thiệp, hòa nhã, tranh luận chính trị sôi nổi, lại có tính hài hước, Lê Hồng Phong được cả nhóm yêu mến.
Bình thường, Minh Khai không rụt rè, e lệ như nhiều cô gái khác. Nhưng không hiểu tại sao, chị cảm thấy lúng túng khi nói chuyện với người con trai có vầng trán rộng, đôi mắt sáng. Anh có khuôn mặt của một học sinh nhưng lại có bàn tay sần sùi của người thợ. Minh Khai không giữ được vẻ bình tĩnh thường ngày khi làm việc cạnh Lê Hồng Phong. Chị biết: mình đã yêu.
Đám cưới của Minh Khai và Lê Hồng Phong được tổ chức giản dị, ấm tình đồng chí ở Thượng Hải. Một bữa cơm chiều tươm tất hơn ngày thường. Có thêm vài chiếc kẹo bọc giấy xanh đỏ, một đĩa lạc rang và vài điếu thuốc lá. Anh Hoàng Văn Nọn về muộn, ngạc nhiên hỏi Minh Khai:
- Chị có biết việc gì không?
Minh Khai đỏ mặt không đáp, chỉ lắc đầu cười.
Anh Hà Huy Tập đứng lên, trịnh trọng tuyên bố:
- Hôm nay, Đảng làm lễ thành hôn cho anh Vương và chị Duy. Hiện nay Đảng còn nghèo, hoạt động bí mật, không tổ chức lễ cưới lớn cho anh chị được. Nhưng chúng ta vẫn rất vui. Chúng ta chúc mừng cô dâu, chú rể cộng sản bách niên giai lão. 
Đám cưới không có hát hò, không có chén rượu mừng cô dâu, chú rể. Nhưng bữa cơm hôm ấy thật vui. Họ chúc mừng nhau, ai cũng hứa hẹn với Đảng. Giữ lời hứa với Đảng, cuộc đời hai vợ chồng Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai cho đến phút cuối cùng gắn với những thăng trầm của cách mạng Việt Nam.
 
 
Phần trưng bày về đồng chí Lê Hồng Phong tại chuyên đề "Sáng mãi niềm tin" 
(còn tiếp) 
Nhà văn Nguyệt Tú
(Nguyễn Thị Khánh Hồng trích đăng)

Chia sẻ: