Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; lão thành cách mạng, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La đã từ trần vào hồi 19 giờ 47 phút, ngày 7/12/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.Trên 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn trân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.Để bày tỏ tấm lòng vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ tới đồng chí Nguyễn Văn Trân, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một vài nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí.Đồng chí Nguyễn Văn Trân sinh năm 1917 tại làng Quan Đình, xã Văn Môn, tổng Mẫn Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra trong một gia đình thuần nông có tới 14 người con, ông và người anh cả cùng 3 người em được ưu tiên cho đi học ở trường làng.Năm 1931 - 1936, đồng chí Nguyễn Văn Trân ra Hà Nội làm nghề thợ in và tham gia hoạt động trong tổ chức “Bắc kỳ ấn công Ái hữu”, gia nhập đoàn đại biểu công nhân đòi “Tự do tổ chức nghiệp đoàn”, đi tuyên truyền, tổ chức các cuộc đấu tranh.Năm 1936, đồng chí Lương Khánh Thiện, Bí thư Hà Nội tổ chức một lớp huấn luyện cho 4 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Trân tham dự, thực chất đó chính là chương trình “Cách mạng dân tộc giải phóng”, người đến huấn luyện là đồng chí Trường Chinh khi đó là Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ.Cuối năm 1939, chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ, theo chỉ thị của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Trân rút vào hoạt động bí mật, tham gia in báo “Cờ giải phóng”, cơ sở đặt tại nhà một quần chúng ở làng ngọc Trục, xã Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Báo "Cờ giải phóng" in được 3, 4 số thì cơ sở bị lộ. Tháng 02/1940, tên tri phủ Hoài Đức đem lính đến vây bắt cơ quan in báo, đồng chí Nguyễn Văn Trân và đồng chí Lê Viên (tức Ngô Du) đã bị chúng bắt cùng với các tang vật và bị đưa về Sở Mật thám Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân khi bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1940
Tại Sở Mật thám Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Trân bị thực dân Pháp tra tấn, đánh đập để lấy cung, nhưng đồng chí đã không hề khai báo. Có lần, chúng tra tấn đồng chí từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau, khiến đồng chí bị bất tỉnh, chúng bèn cho phun nước vào người nhưng đồng chí vẫn không tỉnh lại, chúng dùng kim đâm vào đầu ngón tay, ngón chân nhưng đồng chí vẫn bất động. Đồng chí vốn gầy yếu (lúc đó chỉ nặng 36kg), nên bọn mật thám sợ quá tay bèn đưa đồng chí đi cấp cứu ở bệnh viện Phủ Doãn ( nay là bệnh viện Việt Đức).
Nhà tù Hỏa Lò, nơi đồng chí Nguyễn Văn Trân bị thực dân Pháp giam năm 1940
Ba tháng sau (khoảng tháng 5/1940), thực dân Pháp đưa đồng chí ra toà án xét xử, kết án 10 năm tù khổ sai, chúng chuyển đồng chí về giam tại Nhà tù Hoả Lò. Trong tù, đồng chí đã tham gia các lớp học chính trị, văn hoá, nhiều người khi vào tù không biết chữ, nay đã biết chữ, nhiều người khi ở ngoài chỉ là quần chúng bình thường nhưng sau một thời gian ở tù đã có trình độ để làm cán bộ, nhiều đồng chí đã được học chính trị, chiến lược, chiến thuật quân sự, sau này chính những đồng chí đó đã trở thành cán bộ cốt lõi cho cách mạng tháng Tám, đồng chí Nguyễn Văn Trân cũng nằm trong số đó.
Nhà tù Sơn La, nơi đồng chí Nguyễn Văn Trân
bị thực dân Pháp giam giữ từ năm 1940 đến 1943
Tháng 7/1940, đồng chí bị đày lên nhà ngục Sơn La, cuộc đi đày lần này gồm có 40 người, là đoàn thứ 2 từ Hỏa Lò lên Sơn La. Trong tù, đồng chí tham gia Chi ủy và rất tích cực học tiếng Thái, do đó đã cùng các đồng chí khác tuyên truyền, giác ngộ được một số lính người Thái. Ngày 03/8/1943, chi bộ tổ chức vượt ngục cho 4 đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu. Cuộc vượt ngục này đã được một thanh niên người Thái là Lò Văn Giá dẫn đường, cuộc vượt ngục thành công nhưng khi anh Giá quay trở về đã bị bọn quan lại địa phương bắt và thủ tiêu. (
còn tiếp)
Bài và ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm