Tin tức– Sự kiện
03/09/2019 17:18 03/09/2019 17:18 1300
Phát huy truyền thống lực lượng Cảnh vệ anh hùng
Trong không khí thanh bình của những ngày đầu thu nắng vàng dịu nhẹ, đoàn cán bộ, chiến sỹ Phòng Kỹ thuật bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an đã đến dâng hương, tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Chuyến về nguồn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 74 năm thành lập ngành Công an Nhân dân và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã hy sinh tại Nhà lao Hỏa Lò, đại diện chỉ huy phòng và các đồng chí trong đoàn đã thành kính dâng nén hương thơm, lẵng hoa tươi thắm, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc những người con ưu tú của dân tộc
 
 
 Thiếu tá Đỗ Thị Anh Cúc, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật bảo vệ 
Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an thành kính dâng hương
 
 
Phút tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng hy sinh tại Nhà lao Hỏa Lò
 
Tiếp đó, đoàn đã đi tham quan hệ thống trưng bày thường xuyên, nhìn ngắm những hình ảnh, tài liệu, hiện vật gắn liền với nơi từng được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội”, “Trường học cách mạng đặc biệt” hay “Khách sạn Hilton - Hà Nội” và tham quan trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình”.
Ẩn chứa bên trong dáng vẻ mạnh mẽ và cứng rắn của những cán bộ, chiến sỹ là sự nhậy cảm khi họ được nghe câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng của bà Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Hồng Anh trong thời gian bà Thái bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Khi được biết nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Hữu Kháng cũng từng bị thực dân Pháp bắt giam trong Nhà tù Hỏa Lò năm 1941, các đồng chí đã không giấu nổi sự ngạc nhiên, khâm phục.
Thay mặt đoàn, đồng chí Thiếu tá Đỗ Thị Anh Cúc, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an đã ghi lại cảm tưởng: “Chúng tôi thực sự xúc động khi được các cán bộ của khu Di tích giới thiệu về lịch sử của Nhà tù từ khi đi vào hoạt động năm 1899 đến nay. Chúng tôi hiểu rằng, đất nước có được tự do, độc lập, hòa bình như ngày hôm nay thì các chiến sỹ yêu nước đã phải trải qua ba khổ đau, xương máu để giành độc lập, tự do cho đất nước. Chúng tôi nguyện học tập, phấn đấu không ngừng, góp phần bảo vệ các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Di tích Nhà tù Hỏa Lò là minh chứng lịch sử sẽ còn mãi trong lòng người dân Việt Nam, là địa chỉ đỏ học tập, tìm hiểu .”
Chuyến tham quan, học tập tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tiếp thêm động lực cho các cán bộ, chiến sỹ phòng Kỹ thuật bảo vệ, để tiếp tục nỗ lực, xung kích trong mọi nhiệm vụ được giao.
Một số hình ảnh của đoàn:
 
 
Thuyết minh về khu vực Đài tưởng niệm
 
 
Phòng trưng bày về Làng Phụ Khánh
 
 
Hai cuộc vượt ngục chui cống ngầm năm 1945 và 1951
 
 
                    Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ tại trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình”
 
 
Tham quan phòng trưng bày về cuộc sống của phi công Mỹ trong Nhà lao Hỏa Lò
 
 
            Thiếu tá Đỗ Thị Anh Cúc, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật bảo vệ
      Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an ghi lại cảm tưởng
 
Lã Bích Thủy - Phòng Giáo dục Truyền thông
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Đức Hiếu

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: