Tin tức– Sự kiện
05/09/2019 12:49 05/09/2019 12:49 1291
Ước vọng hòa bình
Ngày 16/3/1968, quân đội Mỹ xả súng xuống thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ thảm sát khiến 504 người dân vô tội, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị thiêu rụi. Sự kiện đã gây sốc trong dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến. Hơn 50 năm đã đi qua, những con người bước ra từ cuộc chiến hay biết về vụ thảm sát Mỹ Lai vẫn chưa nguôi ám ảnh. Tất cả những nội dung đó đang được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình”. 
 
 
Diễn biến vụ thảm sát
Đại đội Charlie thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 20, sư đoàn bộ binh 23 của quân đội Mỹ đến Việt Nam năm 1967. Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, thông tin tình báo của Mỹ cho rằng tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam đang trú ẩn ở làng Sơn Mỹ. Quân đội Mỹ ra lệnh tấn công vào các ngôi làng, giao cho binh lính nhiệm vụ "tìm và diệt", đốt nhà cửa, giết vật nuôi, hủy hoại lương thực thực phẩm và có thể đầu độc cả các giếng nước.
Sáng 16/3/1968, đại đội Charlie tiến vào Mỹ Lai, trung đội 1 mở đường, hai trung đội khác bao vây hai bên sườn, sau khi đã nã một loạt pháo và đạn dội xuống từ trực thăng. Không có lính "Việt Cộng" trong làng. Lính Mỹ bắt đầu bắn giết bừa bãi dân thường, gồm trẻ em, phụ nữ và người già. Sau khi các thường dân đầu tiên ngã xuống, chúng bắn vào bất cứ thứ gì chuyển động. "Những tên lính dường như phát điên, bắn hạ tất cả những người không mang vũ khí, kể cả trẻ sơ sinh. Những gia đình ẩn nấp trong các ngôi nhà lá hoặc các căn hầm mong được yên thân cũng không được tha. Những người đã giơ tay hàng cũng không thoát khỏi cảnh bị bắn giết... Khắp trong làng, những cảnh bắn giết dã man diễn ra. Phụ nữ bị hãm hiếp tập thể; những người khác bị đánh, tra tấn, đập vào đầu bằng báng súng rồi sau đó bị đâm bằng lưỡi lê", hãng tin BBC mô tả.
 
 
 
Phi công trực thăng Hugh Thompson, khi đó 24 tuổi, thuộc phi đội thám không, đã tận mắt chứng kiến hàng trăm người dân chết hoặc hấp hối khi bay qua làng. Anh và phi đội nhìn thấy một phụ nữ không vũ trang đang rũ xuống, bị đá vào người rồi bị bắn. Họ liên lạc bằng radio để tìm kiếm sự trợ giúp cho những người bị thương. Sau đó, chiếc trực thăng hạ cánh bên một con mương, nơi đó đầy những thi thể và có cả những người bị thương. Thompson yêu cầu một người lính ở đó giúp đỡ những người còn sống.
Tiếp đó, họ thấy một nhóm thường dân Việt Nam (cũng toàn trẻ con, phụ nữ và người già) trong một căn hầm mà lính bộ binh Mỹ đang tiến đến. Thompson hạ cánh và tuyên bố nếu toán lính bắn vào dân, anh sẽ giúp họ thoát khỏi nơi này. Có chừng 12-16 người trong hầm được đưa lên trực thăng thoát khỏi vụ thảm sát.
Năm 1998, ba quân nhân Mỹ, gồm Hugh Thompson (phi công), Glenn Andreotta và Lawrence Colburn (phụ trách súng trên máy bay) được chính phủ Mỹ trao Huân chương vì đã ngăn chặn đồng ngũ giết chóc thường dân, giảm số thương vong trong vụ Mỹ Lai. Thompson và Colburn sau này đều trở lại ngôi làng và gặp lại những người được cứu sống.
 
 
Cựu binh Mỹ Hugh Thompson (giữa) và Larry Colburn (phải) được tặng thưởng Huân chương Người lính tại Washington
 
Tin tức kinh hoàng về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam, nhiều thanh niên Mỹ có thêm lý do để phản đối việc đăng lính; những người vốn có tư tưởng phản chiến được tiếp thêm sức mạnh, những người đang lưỡng lự ngả hẳn sang phe phản chiến.
 
Cựu chiến binh Mỹ Billy Kelly và 504 bông hồng tưởng niệm
Suốt nhiều năm qua, tháng 3 nào cũng vậy, cựu binh Mỹ Billy Kenlly lại mang 504 đóa hoa hồng kèm theo tấm thiệp chia sẻ đau thương đến khu chứng tích Sơn Mỹ nguyện cầu cho 504 linh hồn nạn nhân bị thảm sát được siêu thoát... Ông cầu nguyện thế giới không còn cảnh chiến tranh, mọi người cùng chung tay xây dựng vì cuộc sống hòa bình. Một người bạn Việt đã dạy ông nói bằng tiếng Việt câu mà ông cho rằng rất chân tình: “Tôi đến chia buồn với bạn và gia đình”.
 
 
Cựu chiến binh Mỹ Billy Kelly đặt hoa tại Đài tưởng niệm khu chứng tích Sơn Mỹ 
 
 
 
Kelly trở lại Sơn Mỹ vì ông đóng quân ngay khu vực đó chỉ vài tháng sau vụ thảm sát Mỹ Lai. William Calley, tên trung đội trưởng ra lệnh cho lính của mình bắn vào dân thường ở Mỹ Lai, có cách phát âm giống tên của ông, vốn đầy đủ là William Kelly (Billy là cách gọi thân mật của William).
Kelly ở đại đội C, tiểu đoàn 1/20, lữ đoàn 11 trong khi Calley “Mỹ Lai” kia ở tiểu đoàn 3/1 - chỉ khác nhau tiểu đoàn. Cả hai cùng mang hàm trung úy và đều là trung đội trưởng khi đó. Cả hai cùng ở khu vực có năm làng Việt Nam được lính Mỹ lần lượt đặt tên từ Mỹ Lai-1 tới Mỹ Lai-5. Tất cả đều được gọi là Pinkville, nơi có đông Việt Cộng mà không lính Mỹ nào muốn lui tới. Sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến Kelly thấy có trách nhiệm quay lại chiến trường xưa. 
 
Cựu chiến binh Mỹ Roy Mike Boehm - “Tôi đến Việt Nam bằng khói súng, xin được trở lại bằng tiếng đàn
 Roy Mike Boehm từng là lính văn phòng, không trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhưng 2 năm quân ngũ khiến chàng sĩ quan trẻ dần cảm nhận sự tàn khốc của cuộc chiến phi nghĩa, gieo rắc tang thương, mất mát cho người dân Việt Nam. Năm 1970, Mike trở về Mỹ, rời bỏ quân ngũ và được cử đi học đại học theo diện cựu chiến binh. Tình cờ, Mike đọc thông tin về vụ thảm sát Mỹ Lai trên một tờ báo Mỹ. Nhận ra sự thật phũ phàng, anh quyết định bỏ trường đại học về quê. Một chiều giữa những năm 1980, thấy một người dân vứt cây đàn violon tồi tàn ra bãi rác, Mike nhặt về, lau chùi, sửa chữa và kéo thử... Cho đến khi nghe bài “Ashokan Farewell”, điệu đàn như chạm vào cõi lòng đồng cảm. Mike mày mò tự học đàn trong 3 năm. Đến năm 1992, đúng ngày tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai 16/3, ông đánh lên tiếng vĩ cầm cảm xúc của mình. Và từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm, điệu vĩ cầm theo ông về Việt Nam. Tiếng đàn của Mike vang lên ở Mỹ Lai nói lên lời giã từ quá khứ, ước vọng hòa bình.
 
 
 
Chiến tranh đã để lại nỗi đau dai dẳng cho những người lính trận mạc ở cả hai chiến tuyến. Cùng với chính phủ, các cựu binh hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đang nỗ lực hàn gắn vết thương thời chiến, cùng chung tay tìm kiếm quân nhân mất tích, rà phá bom đạn chưa nổ, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam.
Hơn 40 năm sau cuộc chiến, có những người lính đã vĩnh viễn hóa thân thành đất mẹ, có những người lính vẫn đang tiếp tục chiến đấu với những cơn đau giằng xé cơ thể, chịu đựng hậu quả nặng nề của di chứng chiến tranh. Những người lính từ cả hai phía, lựa chọn những cách khác nhau để đi qua cuộc chiến, nhưng đều mong đổi lấy sự thanh thản trong tâm hồn. Thông điệp hòa bình được gửi đi từ trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” là lời nhắc nhở tất cả chúng ta: Hiểu quá khứ để không được phép lãng quên quá khứ.
Lã Bích Thủy - Phòng Giáo dục Truyền thông
(Tổng hợp)


Chia sẻ:

Bình luận của bạn: