Tin tức– Sự kiện
22/06/2017 15:34 22/06/2017 15:34 3048
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ: Pháp trường trước cổng Nhà tù Hỏa Lò
Phố Hỏa Lò giờ đây đã trở thành con phố nhộn nhịp, tấp nập người xe qua lại nhưng cách đây hơn một thế kỷ khoảng sân trước cổng Nhà tù Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò), thực dân Pháp đã dựng pháp trường để chém đầu 7 chí sỹ yêu nước Việt Nam. Kể từ đó, nơi này còn nhiều lần được sử dụng để làm pháp trường xử chém.
 
Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896, nằm trong quy hoạch tổng thể: nhà tù - tòa án - sở mật thám. Vào cuối thế kỷ XIX, cổng tiếp giáp với phố Nhà tù (hiện nay là phố Hỏa Lò), đối diện với Tòa án Hà Nội (hiện nay là tòa án nhân dân tối cao) và chếch phía bên tay phải khoảng 400m là Sở Mật thám Bắc Kỳ (hiện nay là Sở Công an Hà Nội). 
 
Nhà tù Hỏa Lò nằm đối diện với Tòa án Hà Nội (đầu thế kỷ XX)
 
Trên vòm cổng thể hiện tên gọi của nhà tù bằng tiếng Pháp. Tên gọi này nhiều lần thay đổi, ban đầu là Prison Centrale (tức Nhà tù Trung ương), sau chuyển thành Prison Civile (Nhà tù dân sự) và cuối cùng là Maison Centrale (tức Ngôi nhà Trung ương). Một nhà tù kiên cố được xây ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội đã gây ra sự ám ảnh, ghê sợ đối với mỗi người dân khi phải đi ngang con phố này. 
Người tù 18 tuổi Đặng Hữu Rạng (Đặng Việt Châu) đã ghi lại những ấn tượng đầu tiên của mình khi bị áp giải từ Hải Phòng lên giam tại ngục Hỏa Lò như sau: “... Xe nổ máy chạy bon bon độ vài phút thì đến cổng nhà lao Hỏa Lò. Nhìn bức tường đá to rộng và chữ Maison Centrale, chúng tôi liên hệ tới chữ “săng tan” mà mọi người dân thời đó đều cảm thấy ghê sợ. Cửa nhà lao mở ra. Hai tầng cửa chứ không phải một như ở Hải Phòng. Viên xếp ngục già râu bạc đứng đó với mấy lon vàng trên tay. Hàng chục gác ngục, giám thị chạy ra chạy vào. Sau đó, ba tên gác ngục và mấy tên giám thị điểm số người rồi dẫn chúng tôi đi trong yên lặng” (Trích: Trường học cuộc đời, Đặng Việt Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.148-149).
 
Đồng chí Đặng Việt Châu (ảnh do mật thám Pháp chụp)
 
Nhằm khủng bố phong trào đấu tranh của người dân xứ thuộc địa, thực dân Pháp còn sử dụng khoảng sân trước cổng nhà tù làm pháp trường. Máy chém được dựng tại đây để chém đầu các tử tù. Và trong nhà tù lúc nào cũng thường trực sẵn hai máy chém để đề phòng nếu một chiếc bị trục trặc thì sẽ có chiếc khác thay thế. 
Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Tạo (một trong bẩy tù chính trị Hỏa Lò tham gia cuộc vượt ngục bằng cách trèo tường tại nhà thương Phủ Doãn vào năm 1932):
“Đến năm 1910 thì ông “quan tây” đao phủ đã thành công mỹ mãn trong việc đào tạo ông Đức Công sử dụng máy chém. Cũng từ đó trên phủ Toàn quyền  chính thức cấp bằng cho ông Đức Công thường trực phụ trách hai chiếc máy chém ở Hỏa Lò.
Kể từ ông Đức Công được chính thức nối nghiệp “quan bảo hộ” từ năm 1910 đến 1932, chỉ trong vòng 22 năm trời đã có ngót bốn trăm cái đầu rơi trong một tay ông Đức Công và hai thầy đội “ma tà” phụ tá của ông: đội Chính và đội Long.
Cứ mỗi tuần lễ, ông Đức Công để hai ngày tròn đem 10 thường phạm soạn máy chém ra lau chùi rất thận trọng. Chỉ riêng cái lưỡi dao to tướng trông đáng ghê sợ, nhưng ông Đức Công lại rất quan tâm mài cho sáng loáng, mài cho sắc lẹm” (Trích: Trong ngục tối Hỏa Lò, Nguyễn Tạo, Nxb Văn học, 1959, tr.66). 
 
Đồng chí Nguyễn Tạo (ảnh do mật thám Pháp chụp)
 
Nhiều chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam đã bị hành quyết trước cổng nhà tù. Báo “Tương lai xứ Bắc kỳ”, tờ báo tiếng Pháp, xuất bản tại Hà Nội ngày 25/9/1913 đưa tin về vụ hành quyết 7 chiến sỹ của tổ chức Việt Nam Quang phục hội vào rạng sáng ngày 24/9/1913:
“Vào khoảng 4 giờ sáng thì lực lượng cảnh sát đến. Khoảng 4 giờ 30 phút có thêm hai đội lính bộ binh và một phân đội hiến binh. Một phân đội bộ binh và cảnh sát dàn thành một hàng ngang dài 25 mét dọc hai bên nhà tù, một bộ phận khác được bố trí ở vỉa hè sát với bờ tường tòa án, đối diện với cổng nhà tù, có nhiệm vụ giữ trật tự đề phòng dân chúng, nếu biết tin sẽ kéo tới... 5 giờ 45 phút, tất cả bị cáo chuẩn bị thi hành án. Thời khắc đã đến, cánh cửa nhà tù mở ra, tất cả tử tù bước đi trong sự can đảm và chỉ trong 4 phút rưỡi, 7 tử tù bị hành quyết xong”.
 
Bẩy chí sỹ của tổ chức Việt Nam Quang phục hội bị thực dân Pháp xử chém
trước cổng Nhà tù Hỏa Lò rạng sáng ngày 24/9/1913
 
“Hà Thành ngọ báo”, số 1313, ra ngày 30/12/1931, đưa tin về việc hành quyết chiến sỹ cách mạng Nguyễn Hoàng Tôn trên trang 2: “4 giờ sáng hôm nay, Nguyễn Hoàng Tôn tức Nguyễn Mẫn bị xử tử trước cửa Nhà pha Hỏa Lò”.
Theo văn bản số 144CC13 ngày 9/3/1931 của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương báo cáo việc hành quyết các chiến sỹ của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng trước cổng Nhà tù Hỏa Lò: “Tôi xin báo cáo với ngài rằng việc hành quyết các tên Nguyễn Quang Triều, Đoàn Trần Nghiệp tức Đoàn, tức Hiệp Sơn, tức Ký Con, Nguyễn Văn Nho và Lương Ngọc Tốn đã diễn ra vào sáng sớm hôm nay mà không gặp sự cố gì”.
Cổng nhà tù - nơi chứng kiến biết bao sự hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng giờ đây là cổng vào một điểm tham quan hấp dẫn, nơi để các bạn trẻ thấu hiểu, trải nghiệm sự khắc nghiệt của nhà tù thực dân, để nuôi dưỡng trong mình niềm tự hào dân tộc, ý chí vươn lên giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống thường ngày. 
 
Tập thể giảng viên, sinh viên bộ môn Công trình Giao thông Công chính 
và Môi trường, trường Đại học Giao thông Vận tải tham quan, học tập 
tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngày 23/4/2017  
 
Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: