Mỗi độ tháng 7 về, cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ với lòng biết ơn sâu sắc lớp lớp cha anh đã hy sinh xương máu để đất nước có được sắc xanh hòa bình. Trong mạch nguồn ấy, sáng ngày 18/7 và 20/7/2017, Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, các nhà hảo tâm và các cháu học sinh tham gia chương trình “Em học làm thuyết minh” tại di tích đã đến thăm và tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Mậu và Lê Thị Kim Dung, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.
Thời gian vừa qua, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành cầu nối giữa Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954) và một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân có tấm lòng hảo tâm nhằm tri ân các cựu tù chính trị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các bác là những người đã trải qua bao trận tra tấn dã man của mật thám Pháp, đến hôm nay di chứng để lại là những căn bệnh nan y, kinh phí điều trị tốn kém mà điều kiện kinh tế gia đình có hạn. Mặc dầu, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công những cũng không thể bù đắp nổi những hy sinh, mất mát ấy.
Bà Nguyễn Thị Mậu và Lê Thị Kim Dung là hai trường hợp khó khăn được Ban liên lạc và các nhà hảo tâm chọn để tài trợ suốt phần đời còn lại mỗi năm 6 triệu đồng, cùng các phần quà của các nhà hảo tâm được trao tận tay.
Bà Nguyễn Thị Mậu có bí danh là Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1918, tại huyện Từ Liêm, Hà Nội nay là quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Tham gia cách mạng năm 1948, làm nhân viên giao thông thuộc đơn vị biệt động Đội 10, Tiểu đoàn 104, Mặt trận Hà Nội. Tháng 02/1950, bà bị bắt tại làng Tám, Hà Tây, sau đó chuyển về giam tại Nhà tù Hỏa Lò.Tháng 12/1951, bà được trả tự do vì không đủ chứng cứ kết án. Nay bà đã 100 tuổi, phải nằm một chỗ, con trai của bà nay cũng đã 77 tuổi lại chăm sóc mẹ già, hoàn cảnh khó khăn.
8h30 ngày 18/7/2017, đoàn thăm và tặng quà bà Nguyễn Thị Mậu,
tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò vào năm 1950 - 1951
Con trai bà Nguyễn Thị Mậu kể lại quá trình hoạt động cách mạng
và bị thực dân Pháp bắt giam của mẹ trong Nhà tù Hỏa Lò
Ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
động viên bà Nguyễn Thị Mậu giữ sức khỏe
Bà Lê Thị Kim Dung, sinh năm 1931, tại Hà Nội, thường gọi là bà Giang. Năm 14 tuổi, bà mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ còn hai chị em gái làm thuê, làm mướn nuôi nhau. Năm 1947, bà tham gia hoạt động cách mạng, làm cán bộ Phụ vận Quận 2, Hà Nội. Tháng 3/1954, bà bị bắt tại tại Hà Nội, sau đó chuyển về giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Tháng 9/1954, bà được trả tự do theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Người con trai duy nhất của bà đã ra đi trong một tai nạn giai thông, hiện bà sống cùng con dâu trong một ngôi nhà nhỏ do Nhà máy Diêm Thống Nhất cấp. Trải qua bao trận tra tấn dã man của mật thám Pháp, bà mang trên người nhiều bệnh nan y, nhưng không có điều kiện chữa trị.
8h30 ngày 20/7/2017, đoàn thăm và tặng quà bà Lê Thị Kim Dung,
tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò vào năm 1954, bà xúc động nói:
“Ngày hôm nay tôi như được sống lại lần thứ hai”
Đại diện Phòng Tổ chức Cán bộ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tặng quà bà Lê Thị Kim Dung
Đại diện phụ huynh học sinh tham gia chương trình
“Em học làm thuyết minh” tặng quà bà Lê Thị Kim Dung
T.s Hồ Anh Cương, Trưởng bộ môn Công trình giao thông
công chính và Môi trường trường Đại học Giao thông Vận tải
tặng quà bà Lê Thị Kim Dung
Đây là năm đầu tiên “Quỹ tri ân các cựu tù chính trị” được triển khai, những món quà tình nghĩa đã được trao tới tận tay các bác. Hy vọng, trong thời gian tới, việc làm này sẽ được nhân rộng và lan tỏa hơn nữa tới công chúng, góp phần làm vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của những cựu tù chính trị - những người đã cống hiến trọn tuổi thanh Xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền thông
Ảnh: Dương Thanh Hùng, Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm