Chiến tranh Việt Nam khởi đầu cho những bi kịch trong cuộc đời Peterson, tù binh phi công Mỹ tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1966 - 1973, Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng cũng chính mảnh đất này trong thời bình đã xoa dịu vết thương lòng, mang tới hạnh phúc trong phần đời còn lại của ông. Hơn thế nữa, ông đã trở thành chàng rể Việt Nam với câu chuyện tình lãng mạn.
Sinh năm 1935 tại Omaha, bang Nebraska, 19 tuổi Peterson tham gia lực lượng không quân Mỹ và năm 31 tuổi điều khiển máy bay F-4.C ném bom bắn phá miền Bắc, Việt Nam. Máy bay của ông đã bị quân và dân huyện Nam Sách, Hải Hưng (bây giờ là Hải Dương) bắn hạ và ông trở thành một vị khách bất đắc dĩ ở “Khách sạn Vỡ tim” từ năm 1966 đến năm 1973. Theo các cán bộ quản giáo tại Nhà tù Hỏa Lò, họ thường đặt tên những tù binh phi công Mỹ bằng tiếng Việt cho dễ nhớ. Tên của phi công Peteson được đặt là Song, là tên gọi tắt từ âm cuối cùng của từ Peterson. Tên đó cũng được in trước ngực áo của tù binh.
Tù binh Peterson mặc chiếc áo có chữ Song, năm 1966-1973
Năm 1973, ông được trao trả về Mỹ, tiếp tục phục vụ trong lực lượng không quân với chức vụ cao nhất là chỉ huy trưởng căn cứ không quân Johnson ở Goldsboro.
Nhưng sự trở về của Peterson có cả cơ hội và thách thức. Cùng một lúc sau bao năm xa gia đình, những mong được trở về quây quần cùng vợ con trong niềm hạnh phúc. Nhưng cùng một lúc Peterson đón nhận tin con trai bị chết do tai nạn và người vợ bị ung thư.
Năm 1991, ông bắt đầu tham gia vào chính trường Mỹ với 3 nhiệm kỳ hạ nghị sỹ của Đảng Dân chủ ở bang Florida (từ 1991 đến 1996). Kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng, năm 1996, ông được Tổng thống Clinton cử làm Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam nhưng phải đến hơn một năm sau đó ông mới chính thức sang Việt Nam nhậm chức, đất nước mà lần đầu tiên ông biết đến năm 31 tuổi.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen cho cựu Đại sứ Peter Peterson
vào năm 2013 vì những đóng góp tích cực của ông cho thành phố Đà Nẵng
Đến Việt Nam làm đại sứ, ông Peterson đã trở lại xã An Bình, huyện Nam Sách, tất nhiên, không phải bằng lối bung dù như lúc đang là phi công Mỹ ném bom mà bằng ô tô. Theo tường thuật của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong tác phẩm “Lão Chộp”, cựu tù binh phi công Mỹ Peterson đã gặp ông Chộp, một người địa phương đã bắt sống ông năm xưa ngay sau khi ông bung dù, thăm lại gian nhà kho chứa thóc, nơi ông từng bị nhốt mà nói như ông lão Chộp là: “Rất may chúng tôi đã kịp nhốt ông vào kho lúa khóa lại, chứ nếu không thì không chắc chúng tôi đã bảo vệ được ông khỏi cơn thịnh nộ của họ - tức những người có chồng, có con bị bom Mỹ các ông giết hại”.
Peterson (phải) bắt tay với Nguyễn Viết Chộp, người đã bắt được ông
khi chiếc F-4 của ông bị bắn hạ, năm 2013
Trong thời gian làm Đại sứ tại Việt Nam, điều ông thích thú nhất là mỗi sáng thức dậy, đi trên chiếc xe honda Dream II bắt đầu từ trung tâm thành phố nơi ông ở, đi đến 9 điểm vòng quanh Hà Nội và ăn phở tại phố Lê Văn Hưu. Ở Việt Nam, ông thực sự cảm động trước sự đối xử thân thiện của người dân, ông Peterson tâm sự: “Những ngày làm Đại sứ tại Hà Nội là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”.
Đại sứ Peterson (ngoài cùng, bên trái) trong hội thảo quốc tế
với chủ đề “Quan hệ Việt - Mỹ", ngày 26/01/2015
Điều quan trọng, hạnh phúc nhất với riêng ông chính là được làm rể Việt Nam. Khi được hỏi ai là người quan trọng nhất trong những ngày đầu ở Hà Nội, Peter nhắc ngay đến vợ mình, bà Lê Vi, lúc đó là Cao ủy Thương mại Australia tại Việt Nam. Gặp nhau trong một sự kiện ngoại giao sau vài ngày làm Đại sứ ở Hà Nội, họ đã sớm trở thành bạn tâm giao.
Vợ chồng Đại sứ Peter Peterson và Lê Vi
Đến Hà Nội không phải để tìm kiếm một câu chuyện tình lãng mạn, nhưng quả thực người vợ Việt Nam xinh đẹp đã mang tới niềm hạnh phúc cho phần đời còn lại của ông sau những bất hạnh.
Luôn cởi mở và thân thiện, nhưng phía sau nụ cười là câu chuyện cuộc đời từng có nhiều mất mát. Từ một tù binh chiến tranh tại Việt Nam, về Mỹ trở thành thương gia, chính trị gia, nhà ngoại giao, Chủ tịch Ban Giám đốc Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, đồng sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức cứu trợ trẻ em TASC… và trở thành vị Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam. Peterson có lẽ là người Mỹ để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp tại Việt Nam.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm.