Tin tức– Sự kiện
25/09/2017 16:30 25/09/2017 16:30 1973
Ấm áp tình người (phần 2)
Phần 2: Cảm hóa bằng lòng nhân ái
Phi công Mỹ là những người được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn và độ nhạy bén cao, nhiều người trong số họ được sinh ra từ những gia đình giàu có, có thế lực… nên họ thường có thái độ khá kiêu ngạo và có phần “coi thường đối phương”. Điển hình như Thiếu tá James H.Kasler - phi công bị bắn rơi tại Yên Bái ngày 08/8/1966, là một trong những phi công kỳ cựu từ Đại chiến Thế giới lần thứ Hai, được ca ngợi là “con chim ưng vàng”, “người lái thần thoại”, “phi công có sáu giác quan”. Hay Thiếu tá Hải quân John McCain, người được sinh ra trong một gia đình có ông nội và cha từng là Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ. Nhiều phi công mang hàm Đại tá cũng đã sớm có mặt trong Trại giam Hỏa Lò như: Đại tá Norman C. Gaddis - Tiến sỹ của Học viện Hàng không Hoa Kỳ; Đại tá  Alan L. Brunstrom, Đại tá Verlyne W. Daniels…
 
 
Phi công John McCain cùng đồng đội, năm 1965
 
Khi mới vào nhập trại, mỗi  viên phi công được cấp ngay chăn, màn, quần áo lót, quần áo dài (bộ quần áo kẻ sọc), khăn mặt, bàn chải, xà phòng, bát, thìa, đĩa, ca đựng nước... Họ được ở trong những căn buồng khá thoáng mát, đủ ánh sáng (các phòng giam cũ thời Pháp đã được cải tạo, sửa chữa lại). Trong hoàn cảnh chung hết sức khó khăn, người dân miền Bắc Việt Nam còn phải độn ngô, khoai, sắn trong từng bữa cơm hàng ngày; thậm chí cán bộ, chiến sĩ của Trại giam Hỏa Lò ăn uống cũng rất kham khổ, nhưng chúng ta đã cố gắng dành cho phi công Mỹ những bữa ăn tươm tất.
Hàng ngày, Ban Chỉ huy trại đã tổ chức và duy trì cho phi công Mỹ một nếp sinh hoạt bình thường: tập thể dục, đánh bóng chuyền, chơi bi-a, đánh bài, xem phim, đọc sách báo, nghe đài, nhắn tin hoặc viết thư về cho gia đình, dọn vệ sinh trong và ngoài khu vực phòng giam… Qua loa phóng thanh của trại, họ được nghe tiếng nói truyền cảm, dịu dàng của nữ phát thanh viên Thu Hương, chương trình mang tên “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ” của Đài Tiếng nói Việt Nam (Bà tên thật là Trịnh Thị Ngọ lấy tên Thu Hương để trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Quân đội Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Câu mở đầu chương trình của bà thường là: “Đây là Thu Hương trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...”. Nữ phát thanh viên Thu Hương được binh lính Mỹ đặt tên là “Hannah Hà Nội”). 
 
 
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ
 
Họ còn được thưởng thức những bản giao hưởng tuyệt vời của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới như: Beethoven, Chopin, Mozart, Bach... qua sóng Đài phát thanh của trại; được nghe giới thiệu, được đọc những cuốn sách bằng tiếng Anh về lịch sử đấu tranh anh dũng, những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Qua thời gian, nhận thức và thái độ của phần lớn phi công Mỹ trong trại giam đã được điều chỉnh lại, nhiều phi công trước đó còn có thái độ không chào khi gặp cán bộ trại giam, nhưng sau đó đã cúi đầu chào ngay từ khi nhìn thấy cán bộ  của trại xuất hiện từ xa. Đặc biệt, họ đã chấp hành nội quy của trại khá tốt.
Không những thế, cán bộ trại giam còn sắp xếp, bố trí cho phi công Mỹ được đi tham quan bảo tàng và một số di tích lịch sử văn hóa ở Hà Nội. Sau khi xem Bảo tàng Quân đội, một Trung tá phi công Hải quân Mỹ tâm sự với cán bộ quản giáo: "Chúng tôi không thể không kính trọng một dân tộc có lịch sử lâu đời và oanh liệt đến thế". Rồi anh ta cười hóm hỉnh: "Ít nhất đến đây chúng tôi cũng được an ủi vì nước Mỹ chúng tôi không phải là nước đầu tiên thua Việt Nam". Hay sau khi xem Bảo tàng Mỹ thuật, một Thiếu tá Không quân  Mỹ nói: “Nước các ông tuy còn nghèo về vật chất, song tài sản tinh thần, kho tàng văn hóa nghệ thuật thì thật giàu có vô cùng!”.
 
 
Phi công Mỹ được đi tham quan Bảo tàng
 
Vào những dịp Lễ Giáng sinh, Ban Chỉ huy trại đã cho phép phi công Mỹ được chăng đèn kết hoa rực rỡ; Cán bộ Hậu cần của trại còn mua cây thông và hình Ông già Noel, tượng Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ để phi công Mỹ được tự tay trang trí nơi ở của mình. Đêm Noel, Ban Chỉ huy trại đã chọn ra những phi công có ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện tốt nội quy của trại… được ra ngoài đi lễ ở Nhà thờ Lớn. Trong bữa ăn mừng ngày Giáng sinh, phi công còn được thưởng thức mỗi người một đĩa thịt gà Tây quay, đây là  món ăn truyền thống của người Mỹ trong dịp mừng Chúa Giáng sinh. Điều đó đã khiến họ rất ngạc nhiên và thú vị. Về sau, chính các cán bộ quản giáo đã cho họ biết đó là theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người từng đi nhiều nơi trên thế giới, am hiểu phong tục tập quán của nhiều nước, nhiều dân tộc, cộng với lòng nhân ái sâu sắc, Hồ Chủ tịch rất quan tâm và nhắc nhở các cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý tù hàng binh “Phải đối xử tử tế với họ”.
 
 
Bữa ăn của phi công Mỹ trong ngày lễ Giáng sinh
 
Việc chăm sóc sức khỏe cho phi công Mỹ cũng được đảm bảo chu đáo, kịp thời. Ngoài việc được tận tình cứu chữa vết thương do nhảy dù sau khi máy bay bốc cháy, các phi công Mỹ đã được những bác sĩ giỏi ở các Quân y viện 108, 103 và 354 đến khám và chữa bệnh theo định kỳ. Cho nên, sau cú sốc ban đầu lúc họ bị bắt, khi đã vào Trại giam Hỏa Lò hầu hết phi công Mỹ đều ổn định tinh thần và sức khỏe rất nhanh. Nhiều người đã có ý thức tập luyện để thích nghi với điều kiện sinh hoạt mới, giữ gìn sức khỏe để đợi ngày được trao trả về nước. 
 
 
Bác sỹ điều trị vết thương cho Thiếu tá James H.Kasler,  
phi công bị bắn rơi tại Yên Bái, ngày 08/8/1966
 
Câu chuyện của Đại úy Robert Norlan Daughtrey, lái máy bay F105D, bị bắt ngày 02/8/1965, sau khi nhảy dù xuống đất đã bị thương nặng cả hai tay, đáng lẽ phải cưa bỏ, nhưng các bác sĩ Việt Nam đã giúp cho đôi tay của Robert Norlan Daughtrey trở lại lành lặn bình thường. Sau đó, Robert Norlan Daughtrey đã có thể dùng bàn tay khéo léo của mình để cắt những hình trang trí (chim bồ câu, thánh thần, tiên nữ...). Robert Norlan Daughtrey đã thổ lộ với các cán bộ trại giam: "Tôi mãi mãi ghi sâu trong trái tim mình tấm lòng cao quý của các bác sĩ và y tá Việt Nam. Người Việt Nam các ông có đủ tất cả các đức tính mà các dân tộc khác phải khâm phục".
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục - Truyền thông

Chia sẻ: