Tin tức– Sự kiện
21/09/2017 15:56 21/09/2017 15:56 2141
Một thời để nhớ
Đồng chí Nguyễn Đức Minh quê ở thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng sinh ra và lớn lên tại phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hồ, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. 
Từ nhỏ, đồng chí Nguyễn Đức Minh học tại trường tư thục Chu Văn An ở trại Vĩnh Hồ (sau đổi là trường Chu Văn Trinh), được tham gia làm hướng đạo sinh của nhà trường. Sau đó, đồng chí học tại trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội), thời gian này đồng chí đã được đứng trong hàng ngũ của Đội Thanh niên Tuyên truyền thành Hoàng Diệu.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Hà Nội trong vùng địch tạm chiếm, lực lượng Công an đã xây dựng cơ sở, nắm tình hình, tham gia diệt ác, phá tề, trừ gian, trấn áp bọn mật thám, phản động nguy hiểm, tổ chức nhiều trận đánh ngay trong lòng địch.
Ngày 01/3/1948, đồng chí gia nhập lực lượng Công an Quận VI - Hà Nội, hoạt động trong nội thành. Tuy còn trẻ tuổi nhưng với sự nhanh nhạy, nhận định và phân tích đánh giá chính xác và xử lý được nhiều tình huống, nên đồng chí được giao những nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc theo dõi tên Đặng Hữu Chí, Chủ tịch Hội đồng an dân Thành phố Hà Nội, báo cáo cho tổ chức để có kế hoạch trừng trị. 
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 18/5/1948, Công an Hà Nội lên kế hoạch treo cờ trong Nội thành Hà Nội, cổ vũ nhân dân Thủ đô vững vàng chiến đấu. Đồng chí nhận nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng ở nóc chợ Đồng Xuân, nhóm các đồng chí Nguyễn Sỹ Vân, Nguyễn Trọng Quang, Nguyễn Văn Khâm treo cờ trên đỉnh Tháp Rùa. Sáng sớm, cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Hồ Gươm, làm cho nhân dân nức lòng, phấn chấn, tin tưởng hướng về Chính phủ kháng chiến. Ngay sau đó, địch tăng cường kiểm soát, mở nhiều cuộc càn quét, phục kích ở ngoại thành để tiêu diệt các cơ sở cách mạng. Trong một cuộc càn quét ở khu vực Hoàng Mai - Tương Mai, địch thu được được một số tài liệu, trong đó có báo cáo về hoạt động treo cờ đỏ, sao vàng. Một thời gian sau, các đồng chí Lê Trụ, An Đức Bình, Bùi Văn Thịnh,  Nguyễn Sỹ Vân, Nguyễn Trọng Quang, Nguyễn Văn Khâm lần lượt bị bắt. 
 
Trại giam E thuộc căng 1, Nhà tù Hỏa Lò
 
Cuối tháng 5/1948, khi đang trên đường công tác đón giao liên tại phố Hàng Buồm, đồng chí Nguyễn Đức Minh bị địch bắt, giam tại xà lim Sở Mật thám Bắc Việt, Phòng Nhì, Hầm đá Cửa Đông để tra tấn, phúc cung. Sau một thời gian, không khai thác được gì, cuối tháng 6/1948, địch đưa đồng chí về giam ở Căng 1 (trại tù binh số 1), Nhà tù Hoả Lò.
Tại đây,với chế độ giam cầm, sinh hoạt hà khắc của nhà tù thực dân và do những trận đòn tra tấn bằng cách quay điện, đánh vào đầu của địch nên đồng chí bị áp- xe ở đầu, sức khỏe rất yếu, đồng chí đã được các bạn tù tận tình chăm sóc và vận động y tá nhà tù, yêu cầu nhà cầm quyền trại đưa sang điều trị tại nhà thương Nhà tù Nhà Tiền, sau nửa tháng, địch giải về lại Nhà lao Hỏa Lò.
 
 
Chòi canh thuộc căng 1, Nhà tù Hỏa Lò
 
Những ngày tháng trong Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn Đức Minh cũng như bao anh em tù chính trị khác, phải chịu cảnh sinh hoạt vô cùng kham khổ. Tù nhân được quy định hai hoặc ba ngày mới được tắm một lần bằng nước rửa rau muống theo tiêu chuẩn mà đồng chí Nguyễn Đức Minh gọi là “4 ca kỳ, 2 ca dội” (mỗi người chỉ được sử dụng nước tắm bằng sáu cà mèn đựng cơm ăn, 4 ca nước  dội cho thấm người để kỳ cọ và 2 ca dội lại cho sạch người) nên anh em bị ghẻ lở đầy người. Chính vì chế độ sinh hoạt khắc nghiệt đó mà cho đến  nay, trên cơ thể đồng chí vẫn còn những vết thương trên đầu hay những vết sẹo bị ăn sâu vào trong từng thớ thịt, mà mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức.
Sau thất bại ở chiến dịch Việt Bắc năm 1947, thực dân Pháp càng ra sức củng cố vùng Đông Bắc - Bắc Bộ vì địa bàn này có vị trí chiến lược rất quan trọng. Thực dân Pháp đã xây dựng được mạng lưới tề điệp, thổ phỉ dày đặc, phát triển ngụy binh, lập hệ thống cứ điểm ăn sâu vào nội địa tạo bàn đạp để tiến công Việt Bắc một lần nữa.
Để có thêm nhân lực mở đường, cuối tháng 8/1948, địch tập trung 100 tù nhân đang bị giam giữ tại căng 1, Nhà tù Hỏa Lò, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Minh để đưa đi Tiên Yên, Quảng Ninh. Hàng ngày, đồng chí cùng những anh em khác phải đi đập đá để làm đường số 4, từ Tiên Yên đi Đình Lập, Lạng Sơn. 
Sau một thời gian, địch chuyển đoàn tù chính trị về trại giam mới lập ở Khe Tù. Đây là công trường đá để làm đường phục vụ cho các cuộc hành binh và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Tại đây, đồng chí Nguyễn Đức Minh và các anh em tù phải lao động tại công trường, dưới sự canh gác nghiêm ngặt của lính Pháp. 
Với tinh thần kiên trung luôn hướng về cách mạng, đồng chí đã định hình trong suy nghĩ phải sớm tìm cách trở về với tổ chức. Trong một buổi đi làm, phát hiện địch có phần lơi lỏng trong việc canh gác, nhận thấy đây là cơ hội để vượt ngục, ngay lập tức đồng chí Nguyễn Đức Minh cùng Nguyễn Sỹ Vân đã tìm cách thoát khỏi trại, do không thuộc địa hình nên hai người bị địch bắt lại. Đây là lần đầu tiên ở Khe Tù có việc tù nhân vượt ngục, kẻ địch đã trói hai đồng chí vào chiếc cột ở giữa cổng trại liền 2 đêm, 3 ngày và tra tấn hết sức dã man để uy hiếp tinh thần của những tù nhân khác. Qua những trận đòn hiểm ác của địch, đồng chí Nguyễn Sỹ Vân sức khỏe giảm sút, bị tê phù nhưng vẫn phải đi đập đá, làm đường, do vậy chỉ sau một thời gian thì mất,  đồng chí được anh em chôn tại nghĩa trang tù nhân ở sau trại giam Khe Tù. (Tháng 7/2001, đồng chí Nguyễn Đức Minh cùng đồng đội, gia đình đã tìm và đưa hài cốt liệt sỹ Nguyễn Sỹ Vân về quê hương). 
 
Liệt sỹ Nguyễn Sỹ Vân (1930 - 1948)
 
Quyết tâm vượt ngục bằng mọi cách, tháng 12-1948, khi đang khuân vác đá tại công trường, lợi dụng sự sơ hở của lính gác, đồng chí Nguyễn Đức Minh và đồng chí Bùi Văn Thịnh (Minh Đông) đã trốn thoát. Do có kinh nghiệm từ lần vượt ngục trước nên ban ngày hai đồng chí trốn vào rừng, và khởi hành vào ban đêm. Vượt qua bao gian nan, vất vả, tới đầu năm 1949, hai đồng chí đã tìm được đơn vị. (Còn tiếp)
 
Dương Thanh Hùng - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm

Chia sẻ: