Tin tức– Sự kiện
14/09/2017 16:36 14/09/2017 16:36 3330
Sao tháng Tám (phần 1)
Mỗi độ thu về lại gợi cho người dân Việt Nam biết bao ký ức về những ngày tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền; ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945); ngày khai trường đầu tiên của học sinh nước Việt Nam độc lập (5/9/1945) …
Một trong những người tham gia lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám, đắp xây chính quyền cách mạng non trẻ trong buổi đầu thành lập đó chính là đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Với bí danh Sao Đỏ, đồng chí cũng chính là người tù chính trị Hỏa Lò tham gia tổ chức cuộc vượt ngục táo bạo năm xưa.
 
                                                                                   
                       Đồng chí Nguyễn Lương Bằng
 
Thời niên thiếu
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh năm 1904 trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Tuổi thơ của đồng chí đã trải qua những tháng ngày đầy khó khăn, vất vả. 
Năm 13 tuổi, người cha qua đời, đồng chí phải nghỉ học để cùng mẹ và các chị làm lụng, lo toan cho cuộc sống hằng ngày. Năm 17 tuổi (1921), đồng chí theo người anh họ ra Hải Phòng tìm việc làm, bắt đầu sống cuộc đời tự lập.
Sau mấy tháng thất nghiệp, phải bán đi cả quần, áo tốt để lấy tiền sống qua ngày, đồng chí tìm được việc bồi bếp cho một gia đình người Pháp, sau đó lại làm giúp việc cho một gia đình người Ấn Độ. 
Tranh thủ thời gian rảnh, đồng chí mua sách tiếng Pháp, sách văn phạm để tự học, rồi thuê thầy hướng dẫn. Chăm chỉ, kiên trì nên chỉ sau một năm, đồng chí đã có vốn tiếng Pháp kha khá.
 
Tìm thấy chân trời tươi sáng
Năm 1925, đồng chí làm việc ở tầu Căngtông chạy tuyến Hải Phòng - Hồng Kông. Từ Hồng Kông, đồng chí lại đến Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) làm đầu bếp. Được đồng chí Hồ Tùng Mậu giác ngộ, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
 
Nhà số 13 và 13.1 (nay là số 248 - 250), đường Văn Minh, Quảng Châu, 
Trung Quốc, trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam, năm 1925 - 1927
 
Tại Quảng Châu, đồng chí đã nhiều lần được gặp Bác. Năm 1926, trong một cuộc hội nghị, Bác đề ra ý kiến là cần phải phát triển phong trào xuống phía Nam. Khi Bác hỏi: “Đồng chí nào có thể về nước hoạt động?”. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng liền giơ tay xin về và được Bác đồng ý.
 
Gây dựng cơ sở cách mạng
Về Hải Phòng, đồng chí đã thiết lập được đường dây liên lạc theo tuyến vận tải đường thủy Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu. Bị mật thám Pháp phát hiện, tháng 10/1927, đồng chí chuyển hoạt động vào Sài Gòn. 
Một năm sau, đồng chí trở lại Hải Phòng để thiết lập đường dây liên lạc quốc tế bằng đường biển Hải Phòng - Paris thông qua các thủy thủ là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.
Giữa năm 1929, đồng chí được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên điều động làm nhiệm vụ liên lạc giữa Hồng Kông và Quảng Châu. Tháng 10/1929, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng sản đảng.
 
Hai lần vượt ngục
Tháng 11/1930, đồng chí bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc). Không tìm được chứng cứ nên chúng buộc phải dẫn giải đồng chí về Sài Gòn, giam tại bót Catina, sau đó tiếp tục đưa đi Hải Phòng, Hà Nội, giam ở nhà tù Hỏa Lò.
 
 
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng khi bị bắt (ảnh do mật thám Pháp chụp)
 
Trong thời gian bị giam ở Hỏa Lò, đồng chí tham gia chi bộ Đảng bí mật, là đại diện của tù nhân trong các cuộc đấu tranh tuyệt thực yêu cầu cải thiện chế độ lao tù như: đòi thả cùm, được đọc báo, tắm giặt…
Cuối năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp đưa về giam ở nhà tù Hải Dương để xử án. Sau khi bị kết án phát lưu chung thân, đầu tháng 7/1932, đồng chí bị chuyển trở lại Hỏa Lò.
 
 
Nhà tù Hỏa Lò, nơi thực dân Pháp giam đồng chí Nguyễn Lương Bằng
 
Luôn nung nấu ý định vượt ngục, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã bàn trước với đồng chí Nguyễn Tạo và được đồng chí Tạo hưởng ứng ngay. Cuối năm 1932, đồng chí và sáu người bạn tù được chọn vượt ngục đã thống nhất phương án: phải tìm cách ra được nhà thương Phủ Doãn để từ đó trốn thoát. 
Đồng chí Phạm Quang Lịch, Vũ Duy Cương, Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mẫn, Lê Đình Tuyển giả bị mắc những bệnh hiểm nghèo như: giang mai, suy tim, ho ra máu. Riêng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Vũ Duy Cương giả tự tử: 
“... Cương kéo da cổ ra cắt trước, nhưng chỉ nhỏ thôi, nên sẹo không có mấy. Còn tôi kéo da cổ ra dọc mạnh, nên vết thương to, và đâm luôn cả cổ tay nữa, máu ra nhiều lắm. Vết sẹo của tôi bây giờ còn hằn ở cổ đây... 
Chúng tôi hô khẩu hiệu và ngã xuống nằm dài ra, máu loang ra ướt đầm cổ áo. Tôi không quên lấy máu bôi ra nhiều chỗ nữa trong người trông cũng khiếp lắm” (hồi ký cách mạng - Nguyễn Lương Bằng).
 
Nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức)
 
Bằng cách trên, các đồng chí đã buộc y tá Phèng phải đề nghị Chánh giám ngục cho xe bò kéo sang điều trị tại Nhà thương Phủ Doãn.  Tiền đi đường được đồng chí Nguyễn Lương Bằng cuộn lại chỉ bằng cái tăm rồi lấy nylon bọc ở ngoài, nhét sâu vào hậu môn.
Sau khi hoàn thành việc cưa song sắt cửa sổ xà lim, đêm Noel 24/12/1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và sáu bạn tù đã trèo tường trốn thoát. 
Trở về ấp Dọn (nay thuộc xã Thái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), đóng vai người nông dân chăm chỉ trên đồng ruộng, đồng chí đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng. 
Đầu năm 1934, đồng chí bị thực dân Pháp bắt trở lại, tiếp tục giam ở nhà tù Hỏa Lò, sau đó đày đi Sơn La (tháng 5/1935).
Tại nhà tù Sơn La, đồng chí tham gia chi ủy, tổ chức các lớp học văn hóa, ngoại ngữ, tổ chức đấu tranh đòi cải thiện đời sống cho tù nhân... Tháng 8/1943, lợi dụng việc đi lao động bên ngoài nhà tù, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu đã trốn thoát, trở về tham gia hoạt động cách mạng. (Còn tiếp)
 
Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Thị Sâm
Nguồn:
- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2009.

Chia sẻ: