Phần 1: Những chiến sỹ thầm lặng
Từng có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với những cán bộ công tác tại các Trại giam phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam (1964 - 1973), trong đó có có Trại giam Hỏa Lò, chúng tôi mới hiểu được phần nào về công việc thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng này; họ đã góp phần vào thành công của Hội nghị đàm phán, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải đặt bút ký Hiệp định Paris về việc: Rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 05/8/1964, Quân đội Mỹ tiến hành ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất lúc bấy giờ của Chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson là ném bom vào các trung tâm dân cư đông đúc của miền Bắc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hải Phòng, phá hủy các kho chứa dầu nằm gần hai thành phố (Đức Giang và Thượng Lý). Quân đội Hoa Kỳ hi vọng rằng bằng cách ném bom Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam và Hải Phòng - cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam sẽ “tước đi các nguồn cung ứng quân sự cần thiết” để Việt Nam không có khả năng tiếp tục cuộc kháng chiến. Nhưng quân đội Hoa Kỳ đã vấp phải một sự giáng trả quyết liệt của quân và dân miền Bắc, hàng ngàn máy bay Mỹ bị bắn rơi, cùng với đó là hàng trăm phi công Mỹ đã bị bắt, đưa về giam giữ tại các trại giam ở Hà Nội và khu vực xung quanh.
Hậu quả sau trận máy bay B52 Mỹ ném bom ở Thành phố cảng Hải Phòng
Trong những năm chiến tranh phá hoại của Quân đội Mỹ, đặc biệt là những ngày cuối năm 1972, Trại giam Hỏa Lò hay còn được gọi là “Hilton Hà Nội” thường xuyên tấp nập những “vị khách đặc biệt”: các phi công của Không lực Hoa Kỳ. Họ là những quân nhân thuộc các quân, binh chủng khác nhau như: lực lượng Hải quân, Không quân (gồm Không quân chiến lược, Không quân chiến thuật); Cấp bậc từ Trung sỹ đến Đại tá; Với đủ các màu da: da trắng, da đen, da nâu, da vàng; Phần đông trong số họ là người gốc Mỹ, nhưng cũng có những người gốc Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Phi công Mỹ gồm những con người đủ các sắc tộc: da trắng, da đen, da vàng
và mang nhiều quốc tịch khác nhau
Từng có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với những cán bộ công tác tại các Trại giam phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam (1964 - 1973), trong đó có có Trại giam Hỏa Lò, chúng tôi mới hiểu được phần nào về công việc thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng này; họ đã góp phần vào thành công của Hội nghị đàm phán, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải đặt bút ký Hiệp định Paris về việc: Rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Với tên gọi chung: Cán bộ công tác tại Trại giam phi công Mỹ, nhưng công việc của mỗi người lại có sự khác nhau. Tại mỗi trại giam phi công Mỹ, cán bộ được chia làm 5 bộ phận: Ban Chỉ huy trại (Gồm Trại trưởng, Chính trị viên và Trại phó); Tổ Quản giáo; Tổ Hậu cần; Đơn vị Bảo vệ - Cảnh vệ và Tổ Y tế. Mỗi bộ phận được giao những chức trách, nhiệm vụ cụ thể nhưng đều có chung một mục đích: Đảm bảo an toàn tuyệt đối và chăm sóc sức khỏe cho những viên phi công Mỹ bị bắt, chờ ngày trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ.
Cán bộ quản lý trại giam nói chuyện với phi công Mỹ
Ban Chỉ huy trại là những sỹ quan quân đội ở chiến trường về, là những người giàu kinh nghiệm nơi trận mạc và nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Nhà nước Việt Nam tới những viên phi công bị Mỹ bị bắt giữ.
Tổ quản giáo: Gồm những người biết ngoại ngữ, chủ yếu lấy từ sinh viên của Đại học Sư phạm Ngoại ngữ hoặc người đã từng đi công tác ở nước ngoài về. Đây là lực lượng rất quan trọng, đã cùng tham gia với bộ đội Quân báo, bộ đội Phòng không, Không quân khai thác thông tin từ những phi công Mỹ mới bị bắt đưa về trại giam; Cán bộ quản giáo còn là những người hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với phi công, tổ chức cho họ thực hiện tốt nội quy của trại, giúp họ có nhận thức đúng đắn về chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam. Nhiều quản giáo còn tận tình hướng dẫn phi công tham gia các hoạt động thể thao, dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài khu vực phòng giam; kết hợp với nhân viên y tế trong việc thăm khám sức khỏe và cũng lại là người đưa phi công đến bệnh viện trong trường hợp bị ốm; hướng dẫn phi công cả việc đề xuất ý kiến với Ban Lãnh đạo trại giam.
Cán bộ quản giáo trao thư, quà của gia đình phi công Mỹ gửi sang
Một công việc cũng không kém phần quan trọng mà cán bộ quản giáo phải thực hiện đó là duyệt thư của phi công Mỹ gửi về gia đình, nhận và trao thư, quà từ gia đình họ gửi đến. Qua nhiều lần để ý, theo dõi, cán bộ quản giáo phát hiện hành động hơi lạ ở một số phi công Mỹ: Họ dùng tờ giấy trong bao thuốc gập lại viết lên trên bề mặt của tờ kia… toàn bộ số hiện vật nghi ngờ đó đã được cán bộ quản giáo thu lại, bàn giao cho bộ phận Kỹ thuật của Công an. Với một tờ giấy là vỏ trong của bao thuốc lá thông thường, không có gì đặc biệt và 1 viên kẹo có giấy bọc rất mỏng cùng 1 hạt đậu lạc do cán bộ quản giáo khéo léo thu được từ phi công Mỹ trong trại giam, chỉ tới khi những cán bộ nghiệp vụ thận trọng bóc hạt lạc đã phát hiện 1 tờ giấy nhỏ với những dòng chữ rất nhỏ và mờ. Dùng kính lúp phóng đại, các chiến sỹ công an Việt Nam đã đọc được những chỉ thị của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, yêu cầu phi công Mỹ báo cáo danh sách có đầy đủ tên, chức vu, địa điểm đang bị bộ đội Việt Nam giam giữ. Qua những lần thí nghiệm, cuối cùng các cán bộ công an của ta đã giải mã thành công nội dung của các tờ giấy không màu này: Đó là danh sách phi công Mỹ với đầy đủ thông tin về tên họ, chức vụ, cấp bậc, số lính…trong Trại giam Hỏa Lò.
Mỗi trại giam phi công Mỹ còn có một đơn vị bảo vệ với khoảng 20 chiến sỹ, chủ yếu lấy từ Trường Đào tạo Bộ đội Đặc công hoặc những chiến sỹ từ chiến trường về, họ là những người được huấn luyện võ thuật. Đơn vị này được chia làm 2 bộ phận:
- Bộ phận bảo vệ: Được giao nhiệm vụ giữ chìa khóa các phòng giam, hàng ngày có trách nhiệm mở cửa phòng, kiểm tra và điểm danh số phi công trong phòng, cho phi công ra ngoài làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục, lấy đồ ăn sáng, trưa, chiều; quản lý chặt chẽ phi công những lúc được ra sân hoặc dẫn giải ra ngoài trại.
- Bộ phận cảnh vệ: Làm nhiệm vụ canh gác 24/24 giờ tại các bốt gác xung quanh trại giam, cổng chính và các cửa vào khu vực trại giam phi công Mỹ.
Tổ Hậu cần: Bao gồm có bộ phận Quân nhu và bộ phận cấp dưỡng. Tổ trưởng Hậu cần là người quản lý chung về vấn đề chi tiêu của toàn trại, đồng thời là người chịu trách nhiệm đi khai thác nguồn lương thực, thực phẩm… đảm bảo cho các bữa ăn của bộ đội và phi công Mỹ bị bắt.
Bữa ăn của phi công Mỹ trong trại giam
Bộ phận cấp dưỡng được biên chế chủ yếu là chị em, chịu trách nhiệm nấu ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trong trại và đảm bảo bữa ăn cho phi công Mỹ. Bộ phận Quân nhu có trách nhiệm cấp phát quân tư trang cho bộ đội; cho phi công Mỹ khi bị bắt vào trại.
(còn tiếp)
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục - Truyền thông