Cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam vẫn còn đó nhiều câu chuyện chưa được kể, đặc biệt là chuyện về những phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò. Cuộc sống của những vị khách đặc biệt, đến từ một cường quốc lớn mạnh nhất thế giới diễn ra như thế nào trong Trại giam Hỏa Lò vẫn luôn là đề tài hấp dẫn với công chúng. Câu chuyện đó, sẽ được kể qua các cán bộ đã từng công tác trong những trại giam phi công Mỹ ở Hà Nội (1964-1973).
Trong thời gian vừa qua, được sự giúp đỡ của ban liên lạc Bạn chiến đấu, quản lý tù hàng binh - Cục Địch vận, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã được đón tiếp, gặp gỡ và trao đổi với những cán bộ làm công tác Quản giáo, Bảo vệ, Cảnh vệ, Y sĩ tại các trại giam phi công Mỹ ở Hà Nội (1964-1973). Tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi khi nhận được đề nghị của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò về việc cung cấp thông tin, họ luôn giúp đỡ hết mình, liên lạc và thu thập tư liệu giúp đơn vị. Đó thực sự là một món quà vô giá mà Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhận được.
Tọa đàm với cán bộ từng công tác tại các trại giam phi công Mỹ
ở Hà Nội (1964 - 1973)
Ngày 15/9/2017, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò được đón tiếp ông Nguyễn Bá Đê, nguyên là cán bộ Bảo vệ - Hậu cần tại trại giam Hỏa Lò từ những năm đầu tiên. Ông là một trong những người kết nối rất hiệu quả giữa những cán bộ công tác tại các Trại giam phi công Mỹ ở Hà Nội (1964-1973), nhờ vậy thành viên trong ban liên lạc ngày một tăng. Tuy gia đình ở Bắc Ninh, nhưng mỗi lần lên Hà Nội, ông đều rẽ qua Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Vẫn con người đó, vẫn nhiệt huyết đó, ông kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị về thời gian ông làm công tác Bảo vệ - Hậu cần tại trại giam Hỏa Lò.
Lãnh đạo và cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
tiếp vợ chồng ông Nguyễn Bá Đê tại phòng khách
Vợ chồng ông Nguyễn Bá Đê trò chuyện cùng cán bộ
Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Những câu chuyện với ông tưởng chừng như chẳng có hồi kết, ông nói vui: “Nhờ có thời gian công tác tại trại giam Hỏa Lò, tôi mới có cơ hội gặp được các cháu”. Với chúng tôi, những người làm nhiệm vụ gìn giữ và phát huy giá trị của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, việc gặp được những người như ông, nghe những câu chuyện ông kể thật đáng quý và trân trọng biết bao.
Vợ ông Nguyễn Bá Đê xúc động thắp hương tưởng nhớ
đến những chiến sĩ cách mạng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò
Nghẹn ngào khi được nghe thuyết minh về những dụng cụ
thực dân Pháp sử dụng để tra tấn nữ tù nhân Nhà tù Hỏa Lò
Trước khi chia tay, ông hẹn thời gian sớm nhất sẽ quay trở lại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tiếp tục kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện xung quanh cuộc sống của phi công Mỹ và công việc thầm lặng mà các cán bộ làm việc trong những trại giam phi công Mỹ ở Hà Nội (1964-1973). Chúng tôi tin rằng, đó sẽ là những câu chuyện thú vị và hấp dẫn, góp thêm nguồn tư liệu hữu ích, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị của Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tiếp tục kết nối với những cán bộ đã từng làm công tác quản lý phi công Mỹ tại các trại giam ở Hà Nội (1964-1973) để sưu tầm, thu thập được nhiều hơn nữa những tư liệu quý báu từ những “kho sử sống” này.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Ảnh: Hoàng Cao Tiến - Phòng Giáo dục Truyền thông